Sáng ngày 29.4.2022, tôi nhận được điện thoại của một người bạn đang sống ở Úc. Anh vốn là một sĩ quan không quân của quân đội Sài Gòn, trong chiến tranh từng nhiều lần đáp trực thăng xuống bệnh viện Quảng Ngãi quê tôi để chở thương binh của quân đội Sài Gòn. Sau đó anh lên chiến khu, trở thành một người kháng chiến, và là bạn thân thiết của tôi từ những năm lao khổ ấy. Sau hòa bình mấy năm, anh vượt biên cùng gia đình sang định cư tại Úc. Từ đó, anh theo đạo Hòa Hảo, ăn chay trường, và nhập tịch Úc thành một công dân gương mẫu. Nhưng không bao giờ anh quên mình đã từng có những tháng năm kháng chiến, từng chiến đấu dưới lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc.
Với người Việt những năm tháng ấy, thì yêu nước là chỉ số đạo đức và nhân cách lớn nhất, đáng tự hào nhất. Rất nhiều trí thức cỡ lớn của Sài Gòn đã trở thành những người yêu nước, cam chịu tù đày o ép, lên chiến khu dù chưa thật sự thoải mái về những cách suy nghĩ hành xử mà mình nhận được, nhưng họ đã quyết chịu đựng để thực hiện lý tưởng yêu nước của mình, phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình và thống nhất. Cách đây chưa lâu, tôi nhận được bài viết của người bạn tôi ở Úc, anh có dẫn mấy câu thơ của một vị chân tu đạo Hòa Hảo là bồ tát Thanh Sĩ:
“Nước Việt do dân Việt chủ quyền
Khó ai chi phối giống Rồng Tiên
Chung quy yêu nước hơn tư tưởng
Nam Bắc cuối cùng một mái hiên”.
Theo bạn tôi nói, thì 4 câu thơ này bồ tát Thanh Sĩ đã nói từ hơn 70 năm trước, và nó đã tới vào tháng Tư năm 1975. Sau đó, nó đã được khẳng định vào tháng Hai năm 1979.
Với người Việt Nam, lòng yêu nước được đặt cao hơn tất cả. Vì yêu nước, người Việt có thể sẵn sàng xóa đi những bất hòa, những day dứt khi thuộc phía bên này hay phía bên kia, để hòa giải và hòa hợp, để cùng bảo vệ đất nước thân yêu đã nghìn năm bất khuất của mình.
Cách đây mấy hôm, tôi đã xem chương trình truyền hình đặc biệt do Báo Nhân Dân tổ chức “Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị”. Trong đó, chương trình đặc biệt giới thiệu những người lính từ hai phía: Việt Cộng và Việt Nam Cộng hòa, sau bao năm đụng độ nhau trên chiến trường, họ đã gặp lại nhau và ôm nhau như anh em thân thiết. Đó là những người lính chiến thực thụ, họ sống có danh dự, nhưng họ còn biết một điều cao cả hơn: họ sống vì lòng yêu nước, họ có chung một nước Việt Nam, bây giờ họ đến với nhau chân thành, không còn những mặc cảm của “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” nữa. Vì họ đều là con em của nhân dân Việt Nam, đều có một gia đình chung là dân tộc Việt, một đất nước chung là Việt Nam.
Sự chân thành khi chúng ta đến với nhau, xóa bỏ mọi hận thù, chính là sự chân thành vì chúng ta cùng yêu nước, cùng muốn bảo vệ và xây dựng đất nước mình.
Và tôi nhớ, cái lần trong rừng, vào năm ác liệt quyết định cuộc chiến tranh, được trò chuyện thân mật với ông Bảy Dự, một thủ trưởng cao cấp của ngành binh vận, ông Bảy đã có một phút trầm ngâm khi nói với tôi: “Dù phải chờ đợi tới mấy thế hệ để thấy dân tộc chúng ta thực sự hòa hợp, chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ”.
Đó là suy nghĩ của một người yêu nước, một câu nói rất chân thành và có tầm nhìn thực tế.
Đúng là phải trải qua không ít gian nan đau khổ để suy nghĩ ấy có thể tới bến bờ hiện thực.
Bình luận (0)