Chấn thương do ngã xe tập đi

21/09/2019 08:32 GMT+7

Cú ngã mạnh xuống nền đất trong lúc ngồi trên xe tập đi khiến chóp đầu trái của bé trai 8 tháng tuổi bị lún sâu.

Các bác sĩ của Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật nâng xương lún cho bệnh nhi 8 tháng tuổi bị lún sọ thái dương đỉnh trái sau ngã.

Bé tập đi một mình

Mẹ của bé trai (nhà ở H.Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết do bất cẩn đã để con ngồi trên xe tập đi một mình, không may chiếc xe cùng bé từ hiên nhà ở độ cao khoảng 1 m lao xuống sân. Cú va chạm mạnh xuống đất đã khiến chóp đầu trái của bé bị lún sâu 1 cm.
Gia đình đã đưa ngay bé đến Trung tâm y tế H.Thanh Thủy. Do chấn thương nghiêm trọng nên bé nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, bé được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và được chẩn đoán lún sọ thái dương đỉnh trái.
Bác sĩ Hà Xuân Tài, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi này, cho biết: Lún sọ thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Nguyên nhân thường do tai biến khi sinh có thủ thuật; do trẻ bị ngã khi tập đứng, tập đi và trẻ bị ngã ở độ cao thấp. Vị trí thường gặp ở hộp sọ là vùng đỉnh. Chấn thương nặng có thể gây nên lún sọ mức độ nhiều, tổn thương rách màng cứng và tổn thương não. Các chấn thương đó cần được phẫu thuật điều trị. Với bé trai 8 tháng tuổi nêu trên, 10 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định trở lại và được xuất viện.

Sự bất cẩn của người lớn

TS-BS Lê Ngọc Duy (Trung tâm cấp cứu và chống độc - Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội) lưu ý té ngã là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi các em không có sự giám sát trông chừng của người lớn. Khi người lớn ít lưu tâm, bất cẩn, không trông coi trẻ đúng cách dễ xảy ra tai nạn khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường, trên cao xuống, hoặc tuột khỏi tay người lớn.
Trẻ lớn hơn, nguy cơ té ngã trong các tình huống: khi trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững; đi hoặc chạy chơi ở những nơi ẩm ướt, trơn trượt như: nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước, sân chơi.
Té ngã có thể gây tổn thương phần mềm (chảy máu ở da, cơ); tổn thương xương, khớp (bong gân, trật khớp, gãy xương); gây nguy hiểm do chấn thương sọ não (chấn động não, tụ máu, xuất huyết não).
Phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ
Phải luôn có người chăm sóc, theo dõi sát khi trẻ ăn, ngủ, chơi. Không cho trẻ đã biết lật, bò, đi, nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh. Cần có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75 cm; không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt; không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.
(Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư)
Có nên cho trẻ ngồi xe tập đi loại tròn ?
Theo website Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM: Mỹ đã khuyến cáo không nên sử dụng xe tập đi loại cho bé ngồi bên trong khung hình tròn (ảnh 1), nếu có dùng thì dùng loại đi đằng sau đẩy tới (ảnh 2). Hằng năm nhiều trẻ bị ngã cầu thang và có những chấn thương liên quan đến xe tập đi loại tròn. Nhiều người lớn thường bỏ mặc trẻ trong xe tròn với nguy cơ tiềm ẩn những tai nạn không ngờ.
Có nên cho trẻ ngồi xe tập đi loại tròn ?
Có nên cho trẻ ngồi xe tập đi loại tròn ?1

Ảnh: Shutterstock

Khi dùng xe tròn tập đi, trẻ không học được cách kiểm soát trọng lượng cơ thể, cách giữ lưng thẳng, giữ thăng bằng, không học được cách chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng. Điều này làm cho trẻ không tập được các nhóm cơ cần thiết cho việc đứng và đi.
Nếu cho trẻ vào xe tròn tập đi khi trẻ còn quá nhỏ, chưa có đủ khả năng kiểm soát thân người, thì trẻ có xu hướng dựa người ra trước hoặc ra sau vào xe. Điều này có khả năng gây ra các vấn đề trong việc thở của trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.