Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói, với một ca sĩ, để tồn tại bền vững trong lòng khán giả không phải là chuyện đơn giản. Hát hay thôi chưa đủ, mà anh phải có một "cái đầu" với sự hiểu biết rất nhiều lĩnh vực. Hà Anh Tuấn là một người như thế.
Ðiều này được minh chứng qua hành trình hoạt động nghệ thuật và hoạt động cộng đồng của Hà Anh Tuấn, cũng như từ những gì anh đã - đang mang đến cho khán giả của mình lẫn được họ dần đón nhận, đồng cảm, đồng hành ngày một nhiều hơn (số lượng khán giả tăng lên qua các concert dù ở tỉnh thành nào). Và nay, là qua concert Chân trời rực rỡ, diễn ra đêm 24, 25.2 tại sân lễ hội đền Vua Ðinh Vua Lê, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, với khách mời quốc tế: huyền thoại âm nhạc Kitaro cùng khách mời trong nước: rapper Ðen Vâu, Câu lạc bộ xẩm Hà Thị Cầu.
Bằng những ca khúc được chọn lọc khéo léo cùng sự "nâng đỡ" từ các bản phối của Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hữu Vượng, Long Nguyễn, từ sự hòa quyện của ban nhạc Crystal và Saigon Pops Orchestra, nhóm bè Cadillac - VK…, Hà Anh Tuấn "vẽ" nên bức tranh âm nhạc vừa riêng mà cũng rất chung tại Chân trời rực rỡ. Trở về hát giữa thiên nhiên nơi quê cha đất tổ, Tuấn chọn bắt đầu từ cội nguồn, với "xin chào Việt Nam", "tiếng nước tôi"; đi qua "cong oằn những vết roi…" (Vết thù trên lưng ngựa hoang) của hoang mang tuổi trẻ khi định vị thương hiệu cá nhân người nghệ sĩ đến lúc "cởi mở lòng ra với cõi đời, về miền tươi sáng", để được Ðến cùng tận (bài hát Phạm Hải Âu viết cho anh) với ước mơ; rồi hân hoan với những đồng điệu "xuân thì" từ khán giả; và liều lĩnh, tự tin dẫn dắt người nghe khám phá vùng âm nhạc mới, rộng lớn hơn trong dự án sắp ra mắt cùng Võ Thiện Thanh trước khi gặp gỡ âm nhạc Kitaro.
Tôi là người Việt Nam!
Không hẹn mà gặp, tại Chân trời rực rỡ, 2 tác phẩm của Kitaro được nhạc sĩ Việt Anh viết lời Việt đều hướng đến cội nguồn, thiên nhiên và niềm tin yêu cuộc sống.
Nhạc sĩ Việt Anh (đang sống ở New Zealand) chia sẻ, anh hâm mộ âm nhạc của Kitaro từ nhỏ, bây giờ nghe lại vẫn còn nhiều cảm xúc và không nghĩ một ngày có cơ hội cộng tác chung. "Khi đồng ý viết lời cho Koi và Silk road, tôi đã chìm đắm trong thế giới mênh mang của âm nhạc Kitaro một thời gian. Và phần lời được viết ra là cảm xúc của mình với giai điệu bài hát trong khoảnh khắc đó", anh nói. Nếu Koi - Ánh trăng tan có khung cảnh như giữa mơ và thực, hơi liêu trai thì Silk road - Ðường tơ lụa, đường cố hương anh viết về thân phận những người Việt xa xứ…
Trong khi đó, Người Việt Nam được Võ Thiện Thanh viết trong bối cảnh đại dịch. Bấy giờ, anh "như một người được xem tận mắt thước phim về những đau thương mất mát, về tình yêu của người Việt với người Việt trong cơn hoạn nạn; và cả sự đau xót, tức giận khi có những người Việt khác lại trục lợi trên sự đau khổ của chính đồng bào mình…". Nhạc sĩ mong ước người Việt Nam, khoan hãy tự hào, mà hãy biết thương yêu nhau, dám cất lên tiếng nói "Tôi người Việt Nam" mà không có bất cứ một sự hổ thẹn nào làm ta rụt rè!
Võ Thiện Thanh nói với Hà Anh Tuấn rằng, anh mơ ước qua bài hát này, mỗi người Việt, dù miền nào hay ở đâu, hãy tự hỏi lòng mình: "Làm sao ta gom hết những ưu tư nơi đáy sâu tâm hồn. Làm sao cho ta hát khúc sum vầy ôi giấc mơ Việt Nam. Tôi! Là người Việt Nam! Yêu thương Việt Nam! Dù ngàn phong ba tôi vẫn luôn, tôi vẫn luôn là… Anh! Là người Việt Nam! Yêu thương nòi giống. Dù là xa cách ta vẫn chung ta vẫn chung dòng máu". Theo nhạc sĩ, bài hát mang âm hưởng Á Ðông với biến âm bậc 6, được phối cho dàn nhạc giao hưởng cùng chất bão táp mạnh mẽ của rock ở phần điệp khúc, bởi "tôi nghĩ như vậy sẽ hòa hợp với âm nhạc của Kitaro, vì ông cũng là một người Á Ðông. Tôi (và Tuấn) muốn nói với ông: Tôi là người Việt Nam!".
Trong Chân trời rực rỡ, âm nhạc của Võ Thiện Thanh có không gian rộng lớn, với phần phối khí chi tiết cho dàn nhạc giao hưởng và ban nhạc pop. Và những ai từng nghe Kitaro cũng biết âm nhạc Kitaro cũng có một không gian rộng lớn, với tính sử thi và âm hưởng Á Ðông rất điển hình. Bài thứ hai, cũng là thử thách với không chỉ Hà Anh Tuấn, là Người đi xuyên thời gian. Nhạc trưởng Trần Nhật Minh (chỉ huy dàn nhạc của concert) cho rằng, đó là một ca khúc hiếm hoi của nhạc pop Việt Nam với nhịp 5/4, âm hưởng blues. Bài hát này ví đời sống như một vũ điệu hóa trang, mỗi người trong chúng ta đều đã từng đóng rất nhiều vai diễn trong vòng tròn bất tận của cuộc sống. Bạn đã từng là một vị vua, một chiến binh, một anh hề, một thầy giáo, một ca sĩ…, nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta sống chỉ vì tình yêu! Ca khúc thứ ba là một bài pop rock thuần túy theo phong cách Celtic - Chân trời. Âm nhạc chủ đạo là tiếng guitar, dàn dây và dàn bè hòa quyện làm nền. Theo Võ Thiện Thanh, đây có thể là hướng đi trong tương lai của anh với Hà Anh Tuấn bởi cả hai muốn hướng đến một thứ âm nhạc đẹp đẽ, chữa lành và trình diễn giữa thiên nhiên.
Sẽ không quá lời khi cho rằng, dẫu là chùm ca khúc lần đầu được biểu diễn nhưng Người Việt Nam - Người đi xuyên thời gian - Chân trời, với một thông điệp mà Võ Thiện Thanh - Hà Anh Tuấn muốn chia sẻ đến mọi người Việt Nam: cội nguồn, sống đẹp và hy vọng, là những âm giai lấp lánh nhất nơi Chân trời rực rỡ.
Bình luận (0)