Nguyễn Đình Đạo (quê tỉnh Hải Dương), hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế sức khỏe tại Trường ĐH Queensland (Úc). |
NVCC |
Đáng chú ý, trường mà Đạo đang thực hiện nghiên cứu là một trong tám trường hàng đầu của Úc (top 8) và xếp hạng thứ 53 thế giới (theo đánh giá của Times Higher Education).
Thay đổi lộ trình nghiên cứu
Năm 2017, chàng trai quê Hải Dương là một trong 50 ứng viên Việt Nam nhận học bổng gần 3 tỉ đồng Việt Nam của Chính phủ Úc cho khóa học thạc sĩ kinh tế tại ĐH Quốc gia Australia. “Tại đây, tôi cũng nhận được học bổng cho chương trình ngắn hạn về An ninh lương thực trong thích ứng biến đổi khí hậu của Trường ĐH Wageningen, Hà Lan. Năm 2020, vừa tốt nghiệp thạc sĩ, tôi được nhận học bổng toàn phần cho khóa học tiến sĩ tại Trường ĐH Queensland”, Đạo kể.
Tổng giá trị học bổng của chương trình nghiên cứu trong 3 năm rưỡi mà Đạo nhận được vào khoảng A$235,000 (tương đương khoảng 3,7 tỉ đồng Việt Nam).
“Kinh tế sức khoẻ là một ngành học còn mới mẻ ở Việt Nam, bản thân mình cũng hoàn toàn mới lạ trước khi bước chân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại ĐH Quốc gia Australia (ANU), mình quyết định lựa chọn lĩnh vực kinh tế sức khoẻ để theo đuổi chương trình tiến sĩ bởi bản thân thực sự ấn tượng với dự án của giáo sư giảng dạy về đánh giá sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ em. Sau khi tìm hiểu, nộp hồ sơ ứng tuyển, mình may mắn nhận được học bổng toàn phần cho chương trình nghiên cứu sinh”, Đạo nói về cơ duyên đến với lĩnh vực này.
Đạo (ngoài cùng, bên phải) giao lưu cùng các nghiên cứu sinh tại Hội thảo Australian Health Economics Society (AHES) năm 2022 |
NVCC |
Thời gian đầu, anh may mắn được các giáo sư giới thiệu các khóa học cơ bản có liên quan đến ngành học. Bên cạnh đó, Trường ĐH Queensland là một trong các trường dẫn đầu về đào tạo lĩnh kinh tế sức khỏe, nhờ thế nghiên cứu sinh đã nhanh chóng được trang bị các kiến thức cơ bản trong năm đầu tiên.
“Mình may mắn đã có một vài nghiên cứu được công bố tại các tạp chí quốc tế như: Journal of Economics Studies, World Development Economics, và Journal of Asian Business and Economic Studies cho các bài viết về kinh tế phát triển. Đó là bước đệm để bản thân nỗ lực hơn trong hành trình nghiên cứu của mình”, Đạo bộc bạch.
Tập trung vào các nghiên cứu về trẻ em
Đề tài nghiên cứu của Đạo tập trung vào sự ảnh hưởng của các can thiệp chính sách hay các cú sốc tiêu cực của nền kinh tế tới sức khỏe trẻ em.
Bài viết về đánh giá tác động của việc tiếp cận nước máy tại nhà tới sức khỏe thể chất của trẻ em ở 3 quốc gia là Việt Nam, Ấn Độ và Ethiopia trong chương trình tiến sĩ của anh đã được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo “Australian Health Economics Society (AHES)” lần thứ 43 năm 2022.
Đáng chú ý, đây là hội thảo lớn nhất tại Úc dành cho các nhà khoa học trong nghiên cứu kinh tế sức khỏe và sức khỏe cộng đồng. Và Đạo cũng là 1 trong 6 nghiên cứu sinh tại Úc, đồng thời là người Việt duy nhất được nhận học bổng trình bày nghiên cứu của mình.
Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát tại Trường THCS Lương Yên, Hà Nội |
NVCC |
Đặc biệt đầu năm 2022, dự án nghiên cứu “Khoảng cách vùng sinh sống đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của Đạo làm chủ nhiệm và các cộng sự đã được Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia lựa chọn tài trợ để triển khai. Đáng lưu ý, những người thực hiện dự án này sẽ không nhận được hỗ trợ chi phí cho cá nhân.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ trẻ em Việt Nam đối mặt với sức khỏe tinh thần tương đối cao, điều này gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Sức khỏe tinh thần không tốt ở giai đoạn thơ ấu không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và khả năng học tập, tư duy, mà còn làm gia tăng chi phí sức khỏe khi trưởng thành. Chính vì vậy, mình đã lên ý tưởng và cùng các cộng sự đang là giảng viên, nghiên cứu sinh tại các trường đại học ở Úc nhằm đưa ra các hoạt động làm tốt hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần trẻ em”, Đạo chia sẻ.
Và chàng trai cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhận được sự tham gia của 200 phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở khu vực khó khăn, dân tộc thiểu số đã sẵn sàng chia sẻ. Bên cạnh đó, các em học sinh đã mạnh dạn tham gia khảo sát cho nghiên cứu để chúng tôi có thêm được nhiều thông tin hữu ích. Trong thời gian tới, nhóm sẽ bước vào giai đoạn phân tích, thực hiện báo cáo và tổ chức các hội thảo công bố kết quả nghiên cứu. Sau đó, các hội thảo chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý Úc và Việt Nam cũng sẽ được tổ chức để chia sẻ những kiến thức trong chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ em”.
Thông qua các hoạt động, chàng nghiên cứu sinh và các thành viên dự án hy vọng có thể kể lại các câu chuyện từ học sinh và mong muốn của các con dành cho người lớn (bố mẹ, thầy cô…) để xóa bỏ rào cản và có được kết nối tốt nhất.
Bình luận (0)