Chàng shipper nói tiếng Pháp với Marc Levy ở đường sách: Câu chuyện cảm động phía sau

14/11/2022 20:13 GMT+7

Video chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy trong buổi ra mắt sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM mới đây đang 'nổi' khắp mạng xã hội . Nhưng phía sau ấy còn là một câu chuyện cảm động mà rất ít người biết.

Phước, chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy, trên đường sách mới đây

thúy hằng

Chàng shipper giỏi tiếng Pháp ấy là ai?

Đó là Huỳnh Hữu Phước, 25 tuổi, tạm trú ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, là sinh viên hệ song bằng (khoa Tiếng Pháp và khoa Địa lý), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng đang phải tạm bảo lưu chương trình học vì hoàn cảnh khó khăn. Vẫn còn mặc nguyên chiếc áo cam đồng phục, Phước gặp chúng tôi ở tòa soạn báo Thanh Niên chiều 14.11.

Kể lại buổi nói chuyện trực tiếp với nhà văn Marc Levy bằng tiếng Pháp hôm mới đây tại đường sách, Phước cho hay đó là một sự tình cờ.

“Em hay mua sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn, Q.5, hôm 8.11 thì tình cờ mua được 2 cuốn của Marc Levy, nguyên bản tiếng Pháp. Hôm 9.11 em vẫn đi ship hàng bình thường, lúc rảnh thì quẹt điện thoại thấy ngay buổi chiều có buổi giao lưu với nam nhà văn này ở đường sách, thế là em về nhà lấy 2 cuốn sách cũ kia rồi tới luôn. 16 giờ 30 sự kiện bắt đầu, em tới từ hơn 15 giờ, tắt app để yên tâm ngồi xem. Tới phần giao lưu thì em giơ tay rồi đứng lên hỏi luôn”, Phước kể.

Chàng shipper giao lưu với nhà văn Pháp bằng tiếng Pháp

chụp màn hình

Chàng trai kể về câu chuyện của mình

thúy hằng

Phước đã hỏi gì bằng tiếng Pháp với Marc Levy? Chàng trai nói: “Em đã đọc cuốn Đêm đầu tiênNgày đầu tiên của Marc Levy và một số cuốn khác. Em có nhiều câu hỏi muốn hỏi ngay lúc đó, nhưng sẵn mình đang có cuốn Đêm đầu tiên trên tay, em hỏi tác giả là: “Đặc biệt trong tiểu thuyết Ngày đầu tiênĐêm đầu tiên những tình tiết sâu sắc rất được săn đón. Bác đặt câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, niềm tin, vậy mạn phép hỏi bác, bác có được những kịch bản tinh tế như vậy ở đâu? Nguồn cảm hứng của bác là từ đâu?".

Nhà văn người Pháp hơi ngạc nhiên một chút còn những những tiếng “quào” liên tục xuất hiện ở dưới hàng ghế khán giả. Buổi ra mắt sách kết thúc lúc 18 giờ. Phước mở app và lại tiếp tục công việc giao hàng của mình tới gần 21 giờ mới về nhà và không ngờ sau đó được nhiều người biết tới.

Chàng shipper giàu ý chí

Huỳnh Hữu Phước là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Trước đó, chàng trai được học tiếng Pháp từ lớp 1 tới hết lớp 9. Trước khi biến cố xảy ra, cuộc sống của Phước yên bình, bạn luôn được cha mẹ ưu tiên hết lòng cho việc học.

Năm 18 tuổi, Phước thi đậu khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vài tháng sau thì khó khăn ập đến. Cha mẹ ly tán, ngôi nhà không còn, gánh nặng tài chính nặng nề, Phước phải đi ở trọ. Bạn cũng bắt đầu phải đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống của mình.

Từ phụ quán ăn, bưng bên trong quán cà phê, trông xe, làm bảo vệ, giao hàng… Phước đều làm hết, bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Trong tất cả công việc, giao hàng là Phước gắn bó lâu nhất. Bạn là shipper từ năm 2018 tới nay.

“Ngày nào em cũng về nhà tầm 21 giờ hoặc hơn. Lúc ấy mới mang sách ra ôn bài…”, Phước kể. Ham thích học, luôn cầu tiến, khi ở năm thứ 2 của khoa Tiếng Pháp, Phước còn đăng ký học thêm ngành sư phạm Địa lý của khoa Địa lý.

Chiếc xe Cub gắn bó với nghề giao hàng của Phước bấy lâu

thúy hằng

Vài học kỳ đầu tiên điểm số của Phước khá tốt, bạn được tham gia nghiên cứu khoa học cùng các giảng viên trong khoa. Tuy nhiên đến năm thứ 3, áp lực kinh tế đè nặng hơn, hoàn cảnh của gia đình càng khó khăn hơn gấp bội.

“Vài học kỳ đầu tiên mẹ vẫn ráng lo cho em có tiền đóng học phí, nhưng sau đó không nổi…”, Phước buồn bã hồi tưởng. Công việc làm thêm từ đó càng dày đặc hơn với nam sinh viên. Một người bình thường làm 8 tiếng một ngày, còn Phước thường làm tới 10-12 tiếng đồng hồ, một lúc kiêm 2-3 việc mới đủ trả tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, học phí, trang trải áp lực kinh tế…

“Thầy trưởng khoa, cô phó khoa và các thầy cô khác trong khoa đều giúp đỡ, nhưng kết quả học tập của em bị đi xuống khi em phải đi làm thêm nhiều. Có đợt em thi rớt hết môn, em thấy mình đang có lỗi với sự giúp đỡ của thầy cô, phụ lòng mọi người nên giữa năm 3, em đã xin bảo lưu việc học để trước mắt lo đi làm, giải quyết bài toán kinh tế trước”, Phước buồn bã nói.

Đi đâu cũng cầm theo sách tiếng Pháp

Chiếc xe Cub đã cũ, nhiều bộ phận hoen gỉ, chiếc túi đựng đồ ăn bạc phếch, chiếc áo khoác sờn vai, đôi dép nhựa, chiếc túi vải cũ kỹ đeo bên người, đó là hành trang của Phước mỗi ngày đi làm từ sáng sớm tới tối muộn. Nhưng đặc biệt, dù đi giao hàng tới bất cứ đâu, trong túi của Phước luôn có một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp.

Phước lúc còn đi học ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

nvcc

Mê văn chương, yêu thích văn học Pháp, Anh, Nhật… Phước luôn ghé tới tiệm sách cũ số 27 Trần Nhân Tôn, Q.5 để mua sách cũ về nhà. Trong gian nhà trọ ở Thủ Đức là một cái kệ chứa hàng trăm cuốn sách của Phước. Bạn không nhớ tổng cộng mình đã đọc bao nhiêu cuốn, chỉ biết là đọc bất cứ khi nào không có đơn hàng nào “nổ” và khi trở về nhà lúc đêm muộn.

“Em đọc để không quên kiến thức, để khi có tiền trở lại trường ĐH em cũng theo kịp được các bạn. Em cũng yêu thích công việc của một người biên dịch, biên tập sách, em từng dịch toàn bộ 1 cuốn sách từ tiếng Pháp (chưa xuất bản - PV) nên đọc sách là cách để em có thể học hỏi cách làm việc”, Phước chia sẻ.

Chỉ cần đừng mất đi niềm tin

Công việc của shipper như Phước vốn nhiều gian truân. Nhiều lần giữa trời mưa to tầm tã, Phước bị té xe, ngã trầy trụa khắp người, còn đồ ăn của khách thì vỡ nát khiến bạn phải đi vay mượn tiền để đền cho khách. Hay vốn có bệnh nền về đường hô hấp, hay ốm vặt, Phước cũng không dám nghỉ, vì mỗi ngày chỉ mong kiếm được 200.000 đồng.

Trước khi phải tạm dừng việc học ở trường ĐH, Phước từng trầm cảm nặng nề và luôn nghĩ tới cái chết để kết thúc cuộc sống. Sau lần đi điều trị ở bệnh viện, cùng những sự động viên từ những người thân quen, Phước đã dần vượt qua. Bạn chia sẻ hiện tại bạn vẫn chăm chỉ làm việc hàng ngày, để nuôi ước mơ một ngày có thể trở về trường học, tốt nghiệp ĐH và xa hơn có thể học lên thạc sĩ, trở thành giảng viên, giống như những thầy cô của mình gieo lên những điều tốt đẹp cho sinh viên.

Chàng shipper nói tiếng Pháp ở đường sách bộc bạch: “Em luôn tin rằng ai cũng có lúc khó khăn. Và khi mình đang khó khăn, hoạn nạn là ông trời đang thử thách mình, chỉ cần mình vượt qua là mình sẽ mạnh mẽ hơn và chẳng thể ai khiến mình gục ngã thêm được nữa”.

Xin bạn đọc ủng hộ để Phước được trở lại giảng đường

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Huỳnh Hữu Phước - shipper nói tiếng Pháp ở đường sách có hoàn cảnh ngặt nghèo, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Huỳnh Hữu Phước; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Phước trong thời gian sớm nhất, để em được sớm trở lại trường.

Một sinh viên khao khát học và cầu tiến

Chiều 14.11, trao đổi với PV Thanh Niên, cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, xác nhận Huỳnh Hữu Phước là sinh viên của cô và đang phải bảo lưu việc học vì hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, không thể nào tiếp tục đến giảng đường. Chính cô Chân, cùng với thầy Thiện, Trưởng khoa Tiếng Pháp, đã hỗ trợ hết khả năng của mình, giúp đỡ về tài chính, tinh thần cho Phước trong thời gian học tại trường. Cô Chân là người đóng hết các khoản nợ học phí cho Phước hồi tháng 8.2020 để Phước thể đủ điều kiện để bảo lưu kết quả học tập.

“Phước luôn khao khát học, có ý chí cầu tiến, học tốt, tham gia sôi nổi các hoạt động ở khoa. Nhưng vì hoàn cảnh quá ngặt nghèo... Tôi còn nhớ có lần giữa đêm, Phước bị chủ nhà bắt ôm hết đồ đạc, đi ra khỏi phòng trọ vì nợ nhiều tháng tiền nhà. May là chúng tôi hỗ trợ kịp, em có tiền đóng, được ở lại. Tôi luôn hy vọng sẽ có nhiều người cùng hỗ trợ Phước, để em có việc làm thêm ổn định hơn, phù hợp với khả năng, chuyên môn của em. Em cũng có thể sớm trở lại trường, tốt nghiệp ĐH, có công việc như em mong ước”, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.