Đề tài thiết thực từ cuộc sống
Đề tài đầu tiên khi Lộc đến với nghiên cứu khoa học xuất phát từ chính những khó khăn mà người khiếm thị gặp phải trong quá trình đi học.
Lúc Lộc học ở trường dành cho người khiếm thị còn có chương trình, tài liệu riêng nhưng khi lên ĐH, phải tự mày mò tìm kiếm tài liệu vì những giáo trình mà các bạn bình thường học, Lộc không cách nào học được. Nếu muốn học phải scan từng trang rồi đưa vào phần mềm trên máy tính để đọc.
tin liên quan
Sáng tạo trẻ: Máy đọc cho người khiếm thịTừ đó, Lộc bắt đầu nghiên cứu thiết kế website để chia sẻ tài liệu dành riêng cho người khiếm thị. Đề tài này đã xuất sắc đoạt giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2017.
Trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài này, cũng là lúc rất nhiều câu chuyện về xâm hại tình dục trẻ em được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Lộc lại đau đáu, thế là hoàn thành xong đề tài thứ nhất, Lộc bắt tay nghiên cứu ngay đề tài thứ hai.
Lộc thiết kế các sản phẩm điện tử hỗ trợ hoạt động giáo dục phòng tránh bị xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học. Sản phẩm đầu tiên Lộc thực hiện là website “Em cần bảo vệ” với khẩu hiệu “Hãy bảo vệ trẻ em - Ngay khi còn có thể” với các chuyên mục như pháp luật, góc cảnh giác và bảo vệ trẻ em. Sản phẩm thứ hai, Cẩm nang em cần bảo vệ nhằm tạo nguồn tài liệu đáng tin cậy cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Bên cạnh đó là video giải thích, mở rộng thêm những kiến thức của phần cẩm nang. Video được thiết kế với hình ảnh ngộ nghĩnh, âm thanh vui nhộn, gần gũi với trẻ.
|
Cố gắng 10 lần so với người bình thường
Dù đôi mắt không nhìn thấy nhưng Lộc có thể làm được nhiều việc mà không phải người lành lặn nào cũng có thể làm được.
“Em chưa bao giờ nghĩ Lộc có thể làm được như vậy, bạn làm như một người lành lặn và thậm chí là giỏi hơn. Dù không nhìn thấy nhưng tất cả nguồn tài liệu nghiên cứu, Lộc tiếp cận rất tốt, mọi phần liên quan công nghệ như thiết kế web, lập trình, viết code… đều một mình Lộc đảm nhiệm”, Nguyễn Hoàng An, bạn cùng nhóm hỗ trợ quá trình nghiên cứu của Lộc, chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc của người viết sau khi nghe nhận xét của An, Lộc nói: “Nếu người bình thường cố gắng 1, thì mình phải cố gắng 10, cái gì không biết thì hỏi và tìm người để hỏi”.
Mặc dù thi khối ngành xã hội nhưng Lộc rất đam mê công nghệ. “Thời đại công nghệ mà mình không biết sẽ tự mình đào thải vì lạc hậu”, Lộc chia sẻ.
“Điều duy nhất làm khó mình chính là hình ảnh, dù bằng cách nào mình cũng không tự mình xác định được. Nếu người bình thường mất một tuần, thì mình mất một tháng... Làm gì cũng thế, mình khiếm khuyết thì phải nỗ lực hơn rất nhiều”, Lộc chia sẻ thêm.
Đến với nghiên cứu khoa học, biết rất khó khăn nhưng Lộc cho rằng muốn thực hiện ý tưởng nào đấy để giúp ích cho xã hội thì phải thông qua nghiên cứu khoa học, để có cơ hội thực nghiệm và sau đó có thể công bố kết quả để ứng dụng vào đời sống.
“Khi mình không lành lặn, sinh ra không được may mắn, nếu cứ nghĩ đến điều đó thì cũng không thể làm được gì khác hơn. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận và nỗ lực cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng, để sống có ích hơn. Và thông qua những nghiên cứu của mình, cũng mong xã hội sẽ có cái nhìn khác về người khuyết tật. Dù khiếm khuyết nhưng họ vẫn có được những khả năng và năng lực khác”, Lộc gửi gắm.
Bình luận (0)