Chàng thạc sĩ 8x vừa kinh doanh vừa giúp sinh viên thực tập

21/11/2016 10:37 GMT+7

Từ đề tài luận văn thạc sĩ của mình, anh Chu Văn Thái (sinh năm 1985, hiện đang là giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Hoa Sen), đã tìm hướng kinh doanh.

Đồng thời, anh mong muốn tạo ra môi trường thực tập, cọ xát với nghề trước khi tốt nghiệp cho sinh viên.
Tâm huyết với nông sản Việt
Năm 2011, anh Thái theo đuổi đề tài “Tối ưu hóa hàm lượng GABA trong hạt cây nẩy mầm”. Theo anh, Việt Nam có nguồn ngũ cốc dồi dào nhưng vẫn chưa có nơi nào tận dụng, khai thác nguồn cung GABA. Trong khi ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan có sản lượng ngũ cốc thấp hơn nhưng lại cho ra đời rất nhiều sản phẩm chứa GABA.
GABA là một acid amin giúp thư giãn thần kinh, giảm stress, kích thích tiết hoóc môn tự nhiên tăng trưởng ở người. Với những kiến thức có sẵn và những nghiên cứu của mình, tôi nghĩ mình hơi liều khi nhảy vào việc kinh doanh, dù chẳng có kinh nghiệm gì ở lĩnh vực này. Nhưng bản thân tôi xuất thân từ vùng quê Nam Định, cũng chân đất làm nông, tôi đặt tâm huyết rất nhiều cho công việc này

Anh Chu Văn Thái


Không chỉ gặp khó khăn khi tìm hiểu thị trường, anh còn gặp khó khi thay đổi công thức từ việc thực tế hóa nghiên cứu của mình. Tài liệu về lĩnh vực ít, trong quá trình nghiên cứu, anh từng 3 lần nhập viện vì bị hóa chất trúng vào người. Anh Thái kể: “Nếu lúc đó, tôi bỏ nghiên cứu thì về sau sẽ dễ dàng bỏ cuộc với những công việc khác. Thua keo này ta bày keo khác, tôi tham khảo các số liệu từ các nghiên cứu nước ngoài, tìm hướng áp dụng cho phù hợp với môi trường ở Việt Nam”.
Sau khi nghiên cứu thành công, anh cùng một người thợ máy ở Hà Nội chế tạo máy nổ cốm gạo để đưa vào sản xuất. Việc tự chế tạo máy sẽ giúp anh tự chủ công nghệ, giá thành thấp so với mua máy nổ do Trung Quốc sản xuất mà phải phụ thuộc kỹ thuật của họ. Để cho ra đời chiếc máy nổ cốm như mong muốn, anh Thái cũng nhiều lần nhập viện vì bị rối loạn cơ tim khi chịu áp suất của máy. Đến cuối năm 2014, anh Thái đã cho ra mắt những sản phẩm chứa GABA đầu tiên của mình.
Hướng dẫn sinh viên thực tập
“Việc kinh doanh sẽ cho tôi kiến thức thực tế để tạo các bài giảng gần với cuộc sống, tạo cho sinh viên sự hứng thú khi tiếp thu bài. Khi ở vị trí giảng viên, tôi cần tạo môi trường để các sinh viên của mình áp dụng kiến thức vào thực tế. Việc kinh doanh giúp tôi mở rộng mối quan hệ, từ đó sẽ hỗ trợ sinh viên dễ tìm cơ quan thực tập, đi thực tế quan sát ở các cơ sở sản xuất”, anh Thái bộc bạch.
Từ năm 2009 đến năm 2014, anh Thái là giảng viên ngành công nghệ thực phẩm và quản lý phòng thí nghiệm của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (Hutech). Đến cuối năm 2014, anh chuyển công tác sang Trường ĐH Hoa Sen.

Hiện tại, ở vị trí là một giảng viên, một nhà kinh doanh tuyển dụng các bạn trẻ đi làm, anh Thái chia sẻ: “Ở tư cách người tuyển dụng, tôi hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ chọn nhân sự mang lại giá trị cho công ty. Theo tôi, khi đi làm, năng lực chính là mức lương của bạn chứ không phải danh tiếng ngôi trường bạn đã học hay ngành bạn học có “hot” không. Sinh viên cần tạo giá trị bản thân sau đại học, khi đó mức lương sẽ do bạn tự quyết”.
Khi hướng dẫn sinh viên thực tập, đa phần anh thấy các bạn trăn trở về đầu ra của ngành nghề đang học. Anh cho biết thêm: “Bằng đại học như một tấm vé chuyển tiếp từ trạm này sang trạm khác của cuộc sống. Nếu tốt, bạn có thể theo nghề. Còn làm trái ngành thì ít nhất cũng nên liên quan đến ngành học. Quan trọng là đừng để kiến thức nằm lại trên tấm bằng tốt nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.