Dù mang trong mình căn bệnh lao kê nhưng anh Ký Xiên (36 tuổi, ngụ ấp Phước Phong, xã Tân Phú, H.Châu Thành, Sóc Trăng) vẫn không nguôi ước mơ được đứng trên bục giảng.
Anh Ký Xiên (bìa trái) vui mừng khi có bạn đến thăm - Ảnh Huyền Trinh |
Khó khăn chồng chất
Những ngày qua, người dân ấp Phước Phong cùng bạn bè không khỏi chạnh lòng cảm thương trước hoàn cảnh của anh Xiên. Bà Lý Thị Kim Liên (58 tuổi, mẹ ruột của anh Xiên), cho biết anh tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng đã 6 năm nay nhưng vẫn chưa xin được chỗ dạy. Hằng ngày, anh thường vào chùa vẽ, làm công quả với nguyện vọng làm được nhiều việc giúp đỡ mọi người.
“Cách đây khoảng 6 tháng, sau khi từ chùa Cham Pa (xã Phú Tân) về đến nhà, Xiên nói với tôi mình bị đau lưng, nhức mỏi và đau đầu dữ dội. Do gia đình quá nghèo, không tiền đưa con đi bệnh viện khám nên tôi chỉ ra tiệm mua thuốc tây cho Xiên uống”, bà Liên kể lại.
Nhiều ngày trôi qua, bệnh của anh không giảm mà còn ngày càng trầm trọng hơn. Ngày 3.8.2015, gia đình vận động người thân được ít tiền đưa Xiên đi khám tại Bệnh viện 30.4 (chuyên chữa trị bệnh lao và phổi của tỉnh Sóc Trăng). Qua kết quả xét nghiệm, chụp hình, siêu âm, bác sĩ cho biết Xiên bị mắc bệnh lao kê - một thể lao nặng và ít gặp.
Sau hơn 1 tháng điều trị, Xiên được xuất viện về nhà và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên từ đó, sức khỏe của Xiên chuyển biến xấu hơn và người ngày càng gầy gò, sụt cân rất nhanh.
Bác sĩ Trần Thành Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 30.4, cho biết lao kê là căn bệnh xuất hiện do sự lan tràn của vi khuẩn lao theo đường máu tới khắp hai bên phổi. Bệnh nhân mắc bệnh thường có biểu hiện như sốt cao, khó thở, mệt mỏi, gầy, sút cân. Khi chụp X - quang phổi bệnh nhân sẽ thấy hình ảnh nhiều hạt nhỏ như hạt kê, lan tỏa từ đỉnh đến đáy phổi. Người mắc bệnh lao kê có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh này phải ăn uống đầy đủ chất mới bảo đảm được sức khỏe.
“Trường hợp của bệnh nhân Xiên do gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu trễ nên thời gian điều trị rất lâu và nguy cơ tử vong cũng rất cao. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi nếu như bệnh nhân kiên nhẫn uống thuốc và ăn uống đủ chất dinh dưỡng ”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Chung tay chia sẻ
Hay tin anh Xiên mắc bệnh nặng, nhiều bạn bè thời THPT của anh đang làm việc ở xa đã lên Facebook chia sẻ về nỗi đau của bạn mình và kêu gọi mọi người tìm cách giúp đỡ. Vượt qua hơn 1 km trên con đường ruộng sình lầy, khó khăn lắm chúng tôi cùng những người bạn mới đến được nhà của anh. Nhìn anh Xiên tiều tụy trong căn nhà lá dột nát, bạn bè không khỏi chạnh lòng và đau xót cho người bạn của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Xiên rưng rưng nước mắt cho biết mình rất muốn được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Còn theo bà Liên, từ ngày anh mắc bệnh đến nay, trí nhớ giảm sút rất nhiều, lúc nhớ lúc quên. Có khi nửa đêm giật mình thức giấc, anh lầm bầm câu gì trong miệng không rõ. Mặc dù thuốc lao được cấp miễn phí nhưng mỗi khi điều trị, gia đình cũng phải lo chi phí ăn uống, phương tiện đi lại nên rất khó khăn. Bình thường, cuộc sống gia đình anh đã rất thiếu thốn.
Hiện anh đang ở chung với cha mẹ trong căn nhà lá trống trước hở sau, gia đình không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Do không có tiền nên khi nào căn bệnh hành hạ dữ dội thì gia đình mới nhờ hàng xóm cõng anh vượt ruộng để đưa đi cấp cứu. Mỗi ngày nhìn con mình bị căn bệnh hành sống dở chết dở, bà Liên chỉ biết thở dài cầu nguyện cho anh mau lành bệnh.
Bình luận (0)