Chàng trai 9X và đam mê nuôi tinh thể

11/02/2017 10:31 GMT+7

'Phải có chút điên rồ thì bạn mới có thể làm được những điều không ai làm. Nếu thật sự đam mê, bạn sẽ bùng cháy đến mức coi đó là lý tưởng sống và bằng mọi cách, bạn sẽ đấu tranh bảo vệ nó', Nguyễn Bá Tuyên (TP.HCM) chia sẻ.

Niềm đam mê "lập dị"
Chàng trai sinh năm 1994 này thường bị cuốn hút bởi những vật thể lấp lánh như mineral và crystal trong game "Starcraft". Ban đầu, cậu mày mò tìm hiểu về chúng qua bạn bè và sách vở. Về sau, Tuyên mới biết định nghĩa về tinh thể.
Hồi học THPT, Tuyên dùng tiền mua hóa chất về thực nghiệm theo hướng dẫn trên mạng. Ba mẹ Tuyên không ủng hộ vì hóa chất nguy hiểm. Dù vậy, mỗi ngày, cậu vẫn dành thời gian nghiên cứu về tinh thể. Tuyên thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và theo học một thời gian. Sau đó, cậu nhận ra bản thân rất mê tinh thể học và quyết định thôi học để theo đuổi đam mê.

"Mình bắt đầu tìm đến tham gia những câu lạc bộ về khoa học. Ở đó, mọi người giúp mình định hướng đúng đắn niềm đam mê và mình tìm được những người bạn cùng chí hướng", Tuyên chia sẻ.
Nguyễn Bá Tuyên
Một lần, được người thầy gợi ý sang học bên khoa Vật lý. Nhưng Tuyên "đi đường tắt": làm quen với một sinh viên bên khoa đó và nhờ giúp đỡ để cậu được "học lóm". Chưa được bao lâu, cậu bị phát hiện. Nhưng Tuyên không bị đuổi mà còn được giảng viên thông cảm và cho ở lại học để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê. Để có tiền mua hóa chất, Tuyên tự đi làm thêm và để dành từ tiền ăn sáng. Những ngày đầu đến với tinh thể, Tuyên không có kiến thức, kinh phí, người hướng dẫn,... thậm chí, cậu còn bị trêu chọc là làm nổi và tâm thần.
"Vì đam mê nên mình bỏ ngoài tai hết, mình tự học qua sách vở và internet. Không có ai để hỏi nên mình tự mày mò, tự làm tự trả lời những hiện tượng, làm hỏng thì làm lại đến khi được thì thôi", Tuyên kể.

Chia sẻ với nhiều người
Nuôi tinh thể đòi hỏi sự kiên trì và cần mẫn. Tùy loại tinh thể mà thời gian nuôi dao động từ 3 giờ đến 1 năm. Theo Tuyên, dựa vào mục đích nuôi để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Ví dụ, tinh thể dùng trong khoa học kỹ thuật đòi hỏi độ tinh sạch cực cao, độ hoàn hảo lớn, còn khi nuôi để khám phá vẻ đẹp của chúng thì chỉ cần lấp lánh, có hình dạng thú vị. Việc học tại trường giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu của Tuyên. Cậu thuê gác xép để làm phòng thực nghiệm. Đến nay, nhóm Tuyên hoạt động với 4 thành viên. Ngoài thời gian học, Tuyên tập trung để thực hành và sáng tạo.
Những sản phẩm tinh thể do nhóm Tuyên tự nuôi
Mỗi ngày, nhóm Tuyên nhận được 2 - 3 đơn hàng nuôi tinh thể theo yêu cầu như: quà tặng, trang sức, nguyên liệu cho tranh đá quý và phong thủy,... Ngoài ra, nhóm còn tạo một trang page để trao đổi và chia sẻ những thông tin về lĩnh vực tinh thể học với mọi người. Trang "Tinh thể học - Crystallography" của Tuyên thu hút hơn 10. 000 người quan tâm.

"Sắp tới, mình tiếp tục phát triển trang "Tinh thể học - Crystallography" và mang những dự án giáo dục về tinh thể đến với cộng đồng. Mọi quyết định của bản thân dù đúng hay sai đều rất quan trọng. Mình luôn quan niệm hãy làm ngay và đừng viết trên giấy nữa. Khi làm tinh thể và hóa chất, ngoài tuân thủ những quy tắc bảo vệ bản thân, mình không quên môi trường, không xả hóa chất bừa bãi ra môi trường, luôn tận dụng và trân trọng chúng vì một khoa học xanh, sạch, đẹp", Tuyên bộc bạch.
Tinh thể học là một ngành khoa học còn khá mới mẻ tại Việt Nam, liên quan đến nhiều môn khoa học cơ bản khác như: Toán học, Hóa học, Vật lý,...
Tinh thể học chú trọng nghiên cứu sâu đến cấu trúc vật chất, từ cấp độ tinh thể nano đến những tinh thể khối lớn hơn.
Ứng dụng của tinh thể học rất rộng rãi từ vật liệu bán dẫn dùng trong pin mặt trời, các tinh thể nano dùng trong y học, tinh thể khối trong kỹ thuật laser nhân tần đến đồ trang sức như kim cương, ruby.
Bạn đọc tham khảo thông tin về dự án nuôi tinh thể của nhóm Tuyên tại: http://www.facebook.com/tinhthehoc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.