Vẽ tranh để ghi lại... nhật ký chống dịch là những điều mà Nguyễn Đạo Nhất Đan 28 tuổi (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), làm nghề vẽ tự do tại TP.HCM, thực hiện những ngày gần đây.
Gửi thông điệp: Hãy giữ tinh thần lạc quan tích cực
Nguyễn Đạo Nhất Đan, từng học ngành sư phạm tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thế nhưng khi ra trường lại định hướng theo con đường vẽ tranh minh họa tự do.
|
Nhất Đan bộc bạch: “Trong những ngày ngồi xem thông tin về hành trình chống dịch của các y, bác sĩ tuyến đầu, tôi lên ý tưởng vẽ lại. Và để truyền thông điệp đó, ngày 31.5 tôi thành lập trang mạng xã hội mang tên “Nhật ký chống dịch” trên Facebook. Tôi cũng khá bất ngờ khi có đến hàng ngàn người tương tác trong thời gian ngắn.”
|
Qua những bức tranh, Đan muốn nhắn nhủ người trẻ: Có thể chúng ta không có điều kiện để ra nơi tuyến đầu cùng chống dịch nhưng hãy thể hiện gián tiếp bằng ngòi bút hay làm những sản phẩm mang thông điệp chung tay vào cuộc chiến chống dịch này. Đóng góp có thể không quá lớn nhưng cùng nhau thì sẽ tạo sức mạnh".
“Tôi muốn gửi thông điệp đến mọi người, hãy giữ tinh thần lạc quan tích cực nhất có thể để cùng nhau vượt qua đại dịch lần này. Và cùng nâng cao ý thức để đóng góp chung cho việc chống dịch", Đan bày tỏ thêm.
|
“Dìu nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch”
Hoàng Đắc Dinh, 24 tuổi, nhân viên văn phòng (Q. Bình Tân, TP.HCM) cảm nhận được thông điệp qua từng bức tranh trên trang “Nhật ký chống dịch” của Nhất Đan. “Xem từng bức tranh, tôi cảm thấy nó chứa đựng những điều bình dị, những câu chuyện chống dịch xúc động. Chúng ta cần dìu nhau vượt qua khó khăn, đầy lùi dịch. Ngoài ra các câu chuyện đó còn khiến tôi nhớ để tự nhắc bản thân mình thực hiện những quy định 5K chống dịch.” Dinh cho biết.
|
Còn Cao Thúy Quyên, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thổ lộ: “Tôi thấy những hình ảnh này không những đẹp, độc đáo mà còn ấm lòng hơn vào những ngày giãn cách xã hội. Mỗi ngày đi làm trong thời điểm này tôi thấy Sài Gòn thương lắm. Thấy mấy bức tranh như này mình thấy phần nào an tâm an ủi, thấy người Việt mình tử tế với nhau.”
Cảm nhận được tình cảm tương thân tương ái của người Việt trong lúc này, đặc biệt thông qua tranh của Đan, Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhận xét: “Tôi thấy nhiều sự dễ thương từ những bức tranh 'Nhật Ký chống dịch', kể về hành trình chống dịch nhưng không phải là những dòng chữ viết trên giấy. Các tranh tranh đều dựa trên những câu chuyện có thật, trên tình cảm thật của mọi người dành cho nhau trong thời gian này".
Bình luận (0)