Chàng trai chuyên mời bạn trẻ sau cai nghiện trở về đi uống cà phê!

14/10/2022 08:16 GMT+7

Bằng những sáng kiến và cách làm hiệu quả của mình, anh Lê Thành Đạt đã giúp nhiều thanh niên sa ngã, lầm lỡ… hoàn lương sau cai nghiện vươn lên và làm nhiều điều có ý nghĩa cho cộng đồng.

Thật không quá khi ví anh Lê Thành Đạt (30 tuổi), Phó bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN Q.12, TP.HCM là chàng trai của những sáng kiến, vì không chỉ anh luôn đau đáu để suy nghĩ ra nhiều sáng kiến, mà những sáng kiến của anh rất thiết thực, mang lại giá trị cho cộng đồng.

Anh Lê Thành Đạt luôn đau đáu những sáng kiến để hỗ trợ, đồng hành tốt nhất cho thanh niên

Nữ Vương

Anh Đạt là một trong những gương thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng “15 tháng 10” năm 2022 của T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN.

Giúp người sau cai nghiện sống có ý nghĩa hơn

Trước khi đến với công tác Đoàn, Hội, anh Đạt từng làm cán bộ quản lý sau cai của phường, ngay từ thời điểm đó anh đã có rất nhiều ý tưởng để giúp đỡ cho những thanh niên này có thể hoàn lương làm lại cuộc đời. Khi chuyển công tác sang Đoàn, Hội ở quận thì anh Đạt có cơ hội để làm được nhiều hoạt động, chương trình và hỗ trợ nhiều hơn cho những đối tượng thanh niên này.

“Khi tiếp xúc, mình thấy các bạn cũng như bao thanh niên khác, cũng có nhiều ước mơ, hoài bão nhưng chưa làm được và bị vướng vào các tệ nạn. Nhiều bạn tâm sự muốn thoát ra lắm nhưng vì hoàn cảnh rồi bạn bè rủ rê… nên sa ngã. Từ đó, mình muốn giúp đỡ thật nhiều cho những thanh niên này, để các bạn có thể thực hiện được những ước mơ của đời mình, sống có ích hơn”, anh Đạt bày tỏ.

Anh Lê Thành Đạt nhiệt huyết với những hoạt động vì cộng đồng

NVCC

Và anh Đạt kể: “Ngay khi các bạn hoàn thành xong chương trình cai nghiện hoặc mãn hạn tù, thì khi trở về địa phương là mình tiếp xúc liền. Mình gặp, trao đổi, hỏi thăm thường xuyên và cứ một tuần là hẹn đi cà phê một lần, để nắm tình hình, giới thiệu việc làm cho họ. Sau đó, mình mời tham gia các hoạt động với mình, phải tranh thủ ngay thời gian họ mới cai nghiện trở về, chứ sợ khi chưa có công ăn việc làm và bị bạn bè rủ rê thì các bạn lại đi vào con đường cũ”.

Những thanh niên sau cai cùng tham gia các chương trình an sinh xã hội, đi thăm các mái ấm nhà mở, hay các chiến dịch tình nguyện hè. “Khi tham gia những hoạt động như vậy, các bạn sẽ thấy được nhiều mảnh đời còn khó hơn mình, thấy được việc mình đang làm là ý nghĩa và từ đó trân trọng hơn giá trị của cuộc sống, cũng như thay đổi và sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày. Tụi mình duy trì thường xuyên việc các bạn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng để các bạn quên đi những chuyện cũ, chính vì thế, tụi mình đưa các bạn tham gia vào những đội nhóm hỗ trợ cộng đồng của quận, như các đội SOS, hỗ trợ giao thông cho người dân về đêm…”, anh Đạt tâm huyết chia sẻ.

Đặc biệt, trong đại dịch những thanh niên sau cai rất nhiệt tình xông pha tham gia các hoạt động phòng chống dịch.

“Tụi mình cũng thường xuyên tổ chức tuyên dương gương thanh niên tiến bộ. Qua hoạt động, đã làm thay đổi một phần nhận thức của thanh niên về giá trị của cuộc sống, giúp thanh niên sau cai thêm kiên định vào việc cai nghiện, tránh việc tái nghiện. Ngoài ra, việc tuyên dương cũng giúp xã hội công nhận và bớt đi phần nào sự kỳ thị đối với thanh niên sau cai, giúp các thanh niên tự tin với việc hòa nhập vào cộng đồng xã hội”, anh Đạt chia sẻ.

Những sáng kiến thiết thực

Trước tình hình thực tế trên địa bàn quận có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em phải mưu sinh cùng bố mẹ từ nhỏ và phải bỏ học giữa chừng, anh Đạt đã nảy ra sáng kiến thực hiện chương trình đi học có gạo.

“Càng ngày càng có nhiều em vì hoàn cảnh phải lo mưu sinh mà bỏ học giữa chừng, nên tụi mình vận động đi học trở lại tại các lớp học phổ cập. Nhưng để tạo động lực cho các em đi học, mình nghĩ đến việc vận động nhà hảo tâm, mỗi ngày các em đi học đều được phát phần gạo mang về, để gia đình thấy được là thay vì thời gian đó các em đi làm để kiếm tiền trang trải việc ăn uống hằng ngày thì bây giờ đi học vừa có kiến thức vừa có gạo để mang về”, anh Đạt chia sẻ và cho biết nhờ thế mà tỷ lệ đi học đều tăng lên hơn 90% và kết quả học tập cũng được cải thiện rõ rệt.

Anh Đạt đã có sáng kiến xây dựng mô hình hội quán cho thanh niên khuyết tật. Hội quán gồm 4 không gian chính. Không gian sáng tạo được trang bị các máy thí nghiệm, máy đo lường phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá chất lượng cho sản phẩm công nghệ. Không gian thư giãn với quán cà phê, các trò chơi giải trí… Không gian trưng bày sản phẩm bao gồm các sản phẩm sáng tạo của thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật và một không gian trang bị máy nước ion kiềm phục vụ miễn phí cho người dân có nhu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.