Từ vườn dâu du lịch
Sau khi tốt nghiệp đại học, Phan Tuấn Linh (37 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) lang thang ở Đà Lạt và kinh doanh đủ thứ nghề để kiếm sống. Năm 2006, Linh đến TP.HCM mở công ty xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Cũng từ đây, Linh tiếp cận và hiểu sâu hơn về mô hình nông nghiệp công nghệ cao, rồi thấy ngành này có nhiều triển vọng nên sau 6 năm ở TP.HCM, Linh quyết định quay về Đà Lạt làm nông.
Bao nhiêu tiền tích cóp được, Linh đầu tư làm nhà kính, công nghệ và chọn cây dâu tây giống New Zealand để trồng. “Ban đầu cũng trầy trật lên xuống và phải mất 9 tháng trời mới tìm ra quy trình trồng dâu cho riêng mình và đến chu kỳ thành công”, Linh kể.
Nguyễn Bình Nam cùng Câu lạc bộ Bạn thương nhau đã làm một kỳ tích mà chính Nam cũng không nghĩ đến, đó là xây dựng 3 điểm trường tại vùng khó khăn...
Trong vườn dâu rộng 7.000 m2 được đầu tư bài bản theo công nghệ Israel, Linh dành ra 1.000 m2 để du khách tham quan trải nghiệm theo mô hình du lịch canh nông, 6.000 m2 còn lại trồng dâu thương phẩm. Nhờ nằm trên “cung đường du lịch” nối Đà Lạt - Trại Mát cùng với cách làm ăn chú trọng uy tín, chất lượng, nên vườn dâu nhanh chóng hút khách, mỗi ngày đón 200 - 1.000 lượt khách. Khách vào tham quan, chụp ảnh và tìm hiểu về quy trình trồng dâu sạch cũng như thưởng thức các loại đặc sản Đà Lạt, uống trà atisô miễn phí...
“Dù không thu tiền nhưng mình hưởng lợi từ việc bán dâu tươi và các loại mứt. Quan trọng hơn là tạo uy tín từ chính sản phẩm và cung cách phục vụ”, Linh chia sẻ.
Linh cho biết hằng ngày vườn dâu cho thu hoạch khoảng trên dưới 50 kg trái tươi. Linh cũng chưa bao giờ phải lo khâu tiêu thụ, bởi sản phẩm luôn “cháy hàng”, ra bao nhiêu đều được bán hết bấy nhiêu với giá 250.000 đồng/kg.
Đến nông trại rau thủy canh tiền tỉ
Nuôi mộng làm giàu với nông nghiệp sạch, nên sau khi thành công với cây dâu, Linh tiếp tục đầu tư vào các loại rau, bởi đây là sản phẩm hầu như luôn xuất hiện trong mỗi bữa ăn của từng gia đình nên nhu cầu sẽ rất lớn. Nghiên cứu nhiều mô hình trồng rau sạch, Linh nhận thấy mô hình trồng rau thủy canh có nhiều điểm ưu việt hơn nên quyết định đầu tư.
Linh mua 8.000 m2 đất, nhập khẩu toàn bộ thiết bị (máy móc, thanh giá thể, ống dẫn nước) từ Thái Lan và thuê chuyên gia người Mỹ đến hướng dẫn lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật trồng rau thủy canh trong nhà kính.
Hình ảnh những đứa trẻ trải qua ngày tháng đen tối của trầm cảm... khiến chàng thạc sĩ chuyên ngành tâm lý đau đáu và anh quyết định rong ruổi khắp nơi để dạy những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa kỹ năng bảo vệ bản thân.
Linh vui vẻ kể: “Không tính tiền đất, chỉ riêng tiền đầu tư hệ thống thủy canh, nhà kính này thôi, mỗi sào cũng mất hết 800 triệu đồng rồi. Tuy nhiên, mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn. Do trồng rau bằng phương pháp thủy canh, toàn bộ phân bón (hữu cơ vi sinh) được pha theo công thức riêng của từng loại rau và hòa thành nước rồi cho chảy chung trong hệ thống này suốt ngày đêm để cung cấp nuôi dưỡng cây nên tiết kiệm được nhân công rất nhiều, bởi không cần người tưới nước, bón phân hay làm cỏ. Cây con được gieo ươm đủ độ lớn nhất định rồi đưa vào trồng trong hệ thống này, chờ 25 ngày thì thu hoạch với 10 cây đều nhau như 10 (mỗi năm trồng 13 vụ)”.
Hiện nay, Linh trồng 10 giống rau ăn lá các loại, bình quân mỗi ngày thu hoạch 200 kg và bán tại vườn với giá 40.000 đồng/kg. “Do rau được trồng trong nhà kính, tách biệt với môi trường bên ngoài và hoàn toàn không dùng thuốc hóa học nên đảm bảo sạch hoàn toàn, có thể ăn sống ngay tại vườn vẫn được. Trồng rau theo mô hình này, một sào cho doanh thu mỗi năm hơn 600 triệu đồng”, Linh chia sẻ.
Rau của Linh được tiêu thụ ở khắp các khách sạn, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh. “Hiện tại mình cũng nhập khẩu thiết bị về và lắp đặt mô hình trồng rau thủy canh mini để cung cấp cho các gia đình có nhu cầu với giá 6,5 triệu đồng/mô hình”, Linh cho biết.
Bình luận (0)