Với số điểm này, Trần Đình Thành là một trong 2 thủ khoa khối C tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Cần Thơ (là thí sinh tự do, Thành thi tốt nghiệp THPT ở Cần Thơ). Thành cũng bằng điểm thủ khoa khối C toàn tỉnh Quảng Trị.
Vượt qua nỗi đau mất mẹ
Cha là cán bộ bộ đội biên phòng đóng quân ở biên giới Việt Nam - Lào, mẹ trồng lúa, cuộc sống không quá khó khăn và cơ cực cho tới ngày mẹ của Thành phát hiện bị ung thư cổ tử cung. 9 năm dài đằng đẵng, mẹ Thành chiến đấu với ung thư, điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Quân đội 108, Thành và cha thay phiên nhau đi chăm mẹ. Vừa ôn thi, vừa chăm sóc mẹ, suy nghĩ nhiều về bệnh tình của mẹ khiến Thành không hoàn thành tốt bài thi THPT quốc gia năm 2019. Bạn trẻ lỡ hẹn một năm vào ngôi trường ĐH mà mình mơ ước.
Thầy cô ở bên cạnh, cha mẹ động viên, hình ảnh người mẹ dù trên giường bệnh vẫn canh cánh nhắc con trai ráng ôn tập tốt để thi vào ĐH năm 2020 khiến Thành nhủ mình không thể buông xuôi. Nhưng mẹ Thành không kịp chứng kiến khoảnh khắc nhìn con trai nhận điểm thi tốt nghiệp THPT. 6 tháng trước, bà qua đời vì ung thư giai đoạn cuối. Thành gạt nước mắt, nỗi thương mẹ hóa thành quyết tâm.
Giành điểm cao, trong đó 10 điểm địa lý là thành quả sau nhiều đêm ngày học quên ăn ngủ của chàng trai Quảng Trị. Chia sẻ với phóng viên, Thành cho biết các môn đều có chiến thuật để ôn tập. Thành hệ thống khoa học, phát triển sơ đồ tư duy, liên hệ các vấn đề với thực tiễn, dù đó là môn địa lý, lịch sử hay ngữ văn.
Em luôn khao khát được mặc màu áo bộ đội biên phòng như của cha, như món quà tặng mẹ nơi chín suối. Những ngày ôn thi, trước bàn học tập của em luôn là chiếc mũ của cha để làm động lựcTrần Đình Thành |
“Môn lịch sử, quan trọng nhất phải hiểu bản chất, nắm vững sự kiện với các ý nghĩa thực tiễn, liên hệ với đời sống thực tế. Môn này không học vẹt, học gạo được, như vậy rất dễ “sập bẫy” khi làm đề thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT”, Thành nói về bí quyết giành 9,75 điểm môn lịch sử.
Ước mơ đi theo con đường của cha
Cha Thành là cán bộ bộ đội biên phòng, đóng quân tại Đồn biên phòng xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Cha đi công tác xa nhà biền biệt, nhiều khi 6 tháng mới được về thăm nhà một lần. Nhưng từ nhỏ, Thành đã luôn yêu và tự hào về màu áo cha mặc.
Từ 12 tuổi, như bạn bè đồng trang lứa ở quê, Thành đã thành thạo công việc đồng áng để đỡ đần cha mẹ. Ngoài giờ học, chàng trai sinh năm 2001 đi chăn trâu, cắt cỏ, gieo mạ, cấy lúa, mùa gặt, cùng mẹ và chị gái ra đồng, tối về lại cặm cụi học bài. Thành rất thần tượng cha mình, người lính biên phòng dù ít thời gian ở nhà nhưng luôn thương yêu vợ con, cho gia đình một điểm tựa vững chắc.
“Cha em rất hiền hậu, chất phác. Từ nhỏ em đã được nghe cha kể rất nhiều về công việc của bộ đội biên phòng, những công việc gian khổ, hiểm nguy không khiến mọi người sờn lòng, tất cả đều cống hiến hết tuổi trẻ và cuộc đời của mình vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc. Lớn lên, khi bắt đầu biết xác định con đường mình đi, em đã mơ ước phải thi đậu Học viện Biên phòng và đi theo con đường cha mình đã chọn”, Thành chia sẻ.
Điểm tổ hợp khối C là 28,75, Thành vẫn đang rất hồi hộp không biết có trúng tuyển Học viện Biên phòng hay không, bởi mặt bằng điểm năm nay cao hơn.
“Những ngày cuối đời, cả khi hấp hối bên giường bệnh, mẹ em không ngừng động viên em biến ước mơ thành hiện thực. Em luôn khao khát được mặc màu áo bộ đội biên phòng như của cha, như món quà tặng mẹ nơi chín suối. Những ngày ôn thi, trước bàn học tập của em luôn là chiếc mũ của cha để làm động lực”, chàng trai vừa đạt điểm 10 địa lý và 9,75 lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT xúc động nói.
Bình luận (0)