Nâng đỡ cảm xúc
Đinh Huỳnh Đức hiện đang là chuyên viên tham vấn tâm lý tại Trung tâm quản lý ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM. Trước đây, Đức đã trải qua nhiều công việc như giáo viên dạy âm nhạc, dạy đàn piano, đàn ukulele… Mỗi công việc đều mang lại cho Đức những trải nghiệm và bài học thú vị.
Chia sẻ về hành trình đến với âm nhạc, Đức cho biết âm nhạc đã trở thành một phần của cuộc sống từ những năm còn học lớp 6. Được tiếp xúc nhiều khiến Đức ngày càng say mê với bộ môn này. Bằng đam mê, năng khiếu và sự tìm tòi học hỏi không ngừng, Đức đã tích lũy cho bản thân những vốn kiến thức cơ bản và luôn nỗ lực mang âm nhạc đến với mọi người. Năm lớp 11, Đức mở lớp dạy piano cho các bạn học sinh ở quê nhà. Khi còn là sinh viên năm 3 ngành tâm lý giáo dục của khoa giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Đức nhận dạy thêm piano, ukulele cho trẻ em cấp tiểu học và THCS.
"Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực mà chẳng ai mong muốn. Hiểu được điều đó nên mình luôn cố gắng tìm những phương pháp gần gũi nhất để hỗ trợ mọi người, giúp họ xoa dịu tâm hồn và mang lại cái nhìn lạc quan hơn. Lúc ấy mình chợt nhớ, khi vui lẫn khi buồn, âm nhạc là thứ mình nghĩ đến đầu tiên", Đức chia sẻ về lý do thực hiện đề tài "Mô hình hỗ trợ tâm lý đồng đẳng cho sinh viên trầm cảm bằng liệu pháp âm nhạc". Mô hình này là cơ sở cho CLB Thanh âm hình thành và phát triển.
Mô hình hỗ trợ tâm lý của Đức đã đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2021-2022 và giải khuyến khích, giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục ĐH năm 2022.
Theo Đức một vai trò nữa không thể thiếu của âm nhạc là tính kết nối: "Khó khăn của các bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần là khả năng tương tác xã hội hạn chế, thậm chí có nhiều bạn mất đi tính gắn kết với xã hội. Cho nên mình có thể dùng âm nhạc để mọi người giao tiếp với nhau, giúp những bạn gặp khó khăn về tâm lý có được sự tự tin trong cuộc sống".
Tháng 1.2021, Đức thành lập nhóm hỗ trợ tâm lý đồng đẳng Thanh âm gồm 3 thành viên. Đức kể lúc đó, mô hình dùng âm nhạc để chữa lành tâm lý vẫn còn khá mới mẻ, chưa tiếp cận với nhiều người, đồng thời công tác tổ chức, truyền thông, hậu cần và vận hành nhóm còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng cảm với sinh viên
Sau một thời gian hoạt động, nhóm phát triển thành CLB Thanh âm với 29 thành viên là sinh viên các chuyên ngành, trường học khác nhau, tạo ra sân chơi tích cực để mỗi người trẻ cùng nhau sáng tạo, thỏa mãn đam mê âm nhạc, dùng kiến thức âm nhạc của mình để chữa lành cho người khác.
Trong gần 2,5 năm hình thành và phát triển, CLB Thanh âm đã đồng hành cùng rất nhiều sinh viên vượt qua giai đoạn khó khăn về sức khỏe tinh thần. CLB đã tổ chức nhiều chương trình giáo dục tâm lý, trải nghiệm liệu pháp âm nhạc và các bài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên có căng thẳng tâm lý và trầm cảm tại TP.HCM.
Những bài hát trong mỗi chương trình mà CLB Thanh âm tổ chức đều được chọn lọc kỹ càng từ nhịp điệu đến lời bài hát, đảm bảo tiêu chí nhẹ nhàng nhưng chạm đến cảm xúc của người nghe và mang lại năng lượng tích cực. Thông qua chương trình, CLB Thanh âm có cơ hội lắng nghe những lời tâm sự, tâm tình của các bạn sinh viên nhiều hơn.
Đồng hành và gắn bó cùng Đức trong những ngày đầu thành lập CLB Thanh âm, Nguyễn Hồng Ngọc Thi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Tham gia CLB, mình biết thêm nhiều điều thú vị và bổ ích, đặt biệt là kiến thức về âm nhạc".
"Mình đã từng là sinh viên nên mình hiểu và đồng cảm với các bạn. Mình mong các bạn đang gặp khó khăn về vấn đề tinh thần hãy dũng cảm đối diện với một thái độ tích cực thay vì né tránh những cảm xúc tiêu cực", Đức bày tỏ.
Vừa qua, CLB Thanh âm đã tổ chức giao lưu âm nhạc cho trẻ em ở Mái ấm Nhật Hồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Qua đó, Đức đặc biệt hy vọng gắn kết với các bé khiếm thị, giúp các bé cảm nhận cuộc sống đầy màu sắc thông qua âm nhạc.
Bình luận (0)