Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Cường (20 tuổi), quê ở tỉnh Nghệ An, đã đến TP.Đà Lạt để theo học một họa sĩ chuyên vẽ tranh bằng bút lửa. Kết thúc 3 tháng tích lũy kiến thức căn bản, Cường chuyển đến TP.Hà Nội và gắn bó với nghề vẽ tranh cho đến hiện tại. "Mình tìm học thêm kiến thức liên quan đến kiến trúc, mỹ thuật trong các tài liệu và tự luyện tập hằng ngày để nâng cao tay nghề", Cường nói.
Từ lúc học lớp 10, Cường đã có sự hứng thú với hội họa. Chàng trai này bắt đầu vẽ những tranh chân dung nhân vật hoạt hình bằng bút chì. Trong một lần tình cờ nhìn thấy tác phẩm tranh gỗ của người anh quen biết vẽ bằng bút lửa, vì cảm thấy thú vị nên Cường quyết định theo đuổi thể loại này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cường đã cho ra đời hàng trăm bức tranh gỗ với đa dạng chủ đề, như: tranh chân dung, phong cảnh, sơn thủy, thư pháp… Những ngày đầu theo nghề, Cường vẽ còn xấu và sai nhiều, nhưng không vì vậy mà chàng trai này nản chí. "Nhiều khi mình vẽ từ 7 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau để ra một bức tranh ưng ý, lúc nào cảm thấy hài lòng thì mới đi ngủ", Cường nhớ lại.
Cường kể thêm: "Thời gian đầu, mình cầm bút không quen tay, điều chỉnh nhiệt độ chưa chuẩn, đánh khối còn bị loang, vẽ mắt chưa đẹp… Sau thời gian dài luyện tập, bây giờ mình đã cải thiện những điều trên. Có cảm giác như tay mình và bút đã hòa với nhau làm một".
Cường cho biết có nhiều công đoạn để tạo ra bức tranh hoàn chỉnh, như: chuẩn bị nội dung, xử lý gỗ, vẽ và tiến hành các bước để bảo quản. "Vẽ tranh bằng bút lửa trên gỗ cần sự tỉ mỉ và cẩn thận vì nếu sai sẽ không sửa được. Trước khi vẽ, mình phải chuẩn bị thật kỹ nội dung", Cường nói thêm.
Chàng trai Nghệ An này dùng gỗ lòng mức là loại phổ biến để vẽ tranh. Gỗ sau khi mua về sẽ được mài nhẵn bề mặt. Bước kế tiếp là tiến hành vẽ phần tranh chính bằng bút lửa rồi đánh khối các chi tiết, như: da mặt, râu, tóc, quần áo… kỹ càng hơn. "Nếu gỗ bị ẩm ướt thì khi vẽ hình sẽ bị mờ hoặc loang mực. Để tránh tình trạng này, mình phải kiểm tra kỹ. Nếu gỗ ướt, phải thuê thợ sấy cho khô hẳn", Cường nói.
Tranh sau khi hoàn thành sẽ được Cường phun sơn bóng rồi chờ khô trong vài phút để bảo quản, tránh tình trạng bị mốc. Tùy kích thước và các chi tiết mà tranh được bán với giá dao động từ 1 - 5 triệu đồng, có những tác phẩm chạm mốc 10 triệu đồng.
Với thể loại tranh chân dung trên gỗ có kích thước bình thường là 25 cm x 45 cm, Cường mất 7 tiếng đồng hồ để hoàn thành một bức tranh, còn mẫu chân dung có kích thước lớn hơn, anh thực hiện trong 2 - 3 ngày. Cường mất từ 12 - 24 tiếng đồng hồ để thực hiện thể loại tranh phong cảnh.
Đối với Cường, vẽ tranh cũng là lúc anh được đắm chìm trong từng nét vẽ và tạm quên đi những áp lực, muộn phiền của cuộc sống. "Mình dành trọn tâm huyết cho từng bức tranh, thả hồn vào đó và có cảm giác nó giống như người bạn thân của mình", Cường cho biết.
Nhận được sự ủng hộ của mọi người, Cường cảm thấy hạnh phúc và có động lực hơn. Chia sẻ về dự định công việc trong tương lai, anh chàng cho biết sẽ tiếp tục luyện tập vẽ tranh hằng ngày, học hỏi từ các anh chị có kinh nghiệm để cho ra đời những tác phẩm đẹp và tỉ mỉ hơn.
Là khách hàng của Cường, anh Nguyễn Văn Tự (32 tuổi), ngụ tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Mình biết đến Cường đã lâu, sau một thời gian theo dõi trên mạng xã hội, mình quyết định mua tranh của bạn. Tranh bằng bút lửa rất ít người theo đuổi vì khó nhưng nhìn vào tranh của Cường thấy nét vẽ có hồn, nhẹ nhàng và bay bổng".
Bình luận (0)