Chàng trai lạc cha 28 năm và giấc mơ làm ca sĩ ở Sài Gòn

18/03/2018 11:16 GMT+7

Lê Văn Phúc sinh năm 1990 ở Gia Lai. 28 năm trôi qua anh chưa biết mặt cha mình. Sâu thẳm trong trái tim chàng trai yêu ca hát và muốn trở thành ca sĩ, đó là tìm được cha .

Trong một quán cà phê nhỏ giữa Sài Gòn một ngày tháng 3, chúng tôi ngồi nghe Phúc (nghệ danh là Lâm Chấn Kiệt) hát ca khúc anh tự sáng tác “Mẹ là tất cả”. Giọng chàng trai 28 tuổi run run, khóe mắt hình như có nước: “Mẹ là tất cả cuộc đời tôi. Tôi sinh ra đã thấy chỉ có mẹ bên mình. Một mình mẹ làm đủ nghề để nuôi 4 chị em tôi khôn lớn. Tôi không biết cha đang nơi đâu, còn sống hay đã chết…”.
12 tuổi đi chặt mía, trồng bắp thuê
Lê Văn Phúc sinh ra và lớn lên ở xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, một trong những vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của tỉnh. Nhà Phúc thuộc hộ nghèo, từ nhỏ Phúc lớn lên chứng kiến mẹ tần tảo khuya sớm để các anh chị em anh có miếng cơm, miếng sắn ăn no bụng.
[VIDEO] LÊ VĂN PHÚC KỂ VỀ TUỔI THƠ NGHÈO KHÓ, LẠC MẤT CHA VÀ KHAO KHÁT LÀM CA SĨ
Thực hiện: Lê Nam - Thúy Hằng
Phúc chưa bao giờ quên những năm tháng tuổi thơ ngoài giờ học phải làm việc quần quật ngoài đồng. “8 tuổi tôi đã đi hốt phân trâu, lượm ve chai để có thêm tiền đỡ đần mẹ. 10 tuổi tôi đi cày ruộng, con trâu đi trước cái cày theo sau. 12 tuổi tôi đã đi làm thuê khắp xã, ai thuê gì thì làm đó, trồng mía, gặt lúa, trồng bắp (ngô)… Lớn lên một chút nữa, cứ vừa đi học lại đi phụ nhà hàng. Có thời gian tôi học trường Trung cấp văn hoá nghệ thuật Gia Lai, cứ 4 giờ sáng đã ra khỏi nhà để phụ quán, sau đó mới đến trường đi học. Tôi làm nhiều tới mức buổi tối về đau lưng ê ẩm và bây giờ mỗi khi nghĩ lại, cảm giác vẫn còn kinh ngạc không hiểu tại sao có những lúc mình làm được nhiều việc nặng nhọc như thế”, Phúc hồi tưởng.
Phúc và mẹ của mình Ảnh nhân vật cung cấp
Phúc còn nhớ mãi một kỷ niệm khi anh hơn 10 tuổi, anh và mẹ đi dắt trâu thuê cho một người trong huyện. Con đường đầy bùn lầy xa tít tắp, phải đi bộ ròng rã vài tiếng đồng hồ, trời thì mưa tầm tã, đã tối mịt mà hai mẹ con chưa đến nơi đành phải tá túc một nhà bên đường. Chủ nhà thấy mẹ con đói khát, cho một miếng bánh mì, mẹ bẻ cho Phúc một nửa, mẹ ăn một nửa, hai mẹ con vừa ăn vừa hai hàng nước mắt…
Nghề nào cũng có chông gai
Từng thích vẽ và theo đuổi ngành mỹ thuật trong 3 năm, đến năm 2008, sau khi được một người anh mời lên hát trong một sự kiện, Phúc nhận ra đam mê thật sự của mình là ca hát. Anh nghỉ học Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Gia Lai, vào Sài Gòn học Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và lấn sân sang ca hát nhiều hơn.
“Tôi từng đóng nhiều bộ phim, tuy nhiên chỉ được giao một số vai phụ, đất diễn không nhiều. Tôi yêu ca hát và nhận thấy sức hấp hẫn của ánh đèn sân khấu, sự cổ vũ của khán giả. Tôi muốn làm ca sĩ”, Phúc nói về giấc mơ của anh.

Tuổi thơ khó khăn càng khiến Phúc mạnh mẽ hơn ở hiện tại Ảnh nhân vật cung cấp
Hiện tại, nam ca sĩ lấy nghệ danh là Lâm Chấn Kiệt hát tại nhiều chương trình, sự kiện, đồng thời làm MC (người dẫn chương trình). Anh thừa nhận, thù lao từ nghề này không cao, có chương trình anh đi hát và nhận được thù lao chỉ 50.000 đồng, 100.000 đồng nhưng anh vẫn chấp nhận vì đam mê.
“Nghề nào cũng có chông gai, không có gì là dễ dàng, ví dụ nghề đi hát cũng phải đổ mồ hôi. Tôi một mình vào Sài Gòn lập nghiệp, không có ai làm bầu sô, bệ đỡ cho mình, tất cả đều do mình tự lập nên càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi đã chọn và sẽ cố gắng”, Phúc bộc bạch.
“Tôi muốn xây cho mẹ một mái nhà”
Phúc hiện đã có thể tự lo cho bản thân, ngoài ca hát, Phúc có khả năng sáng tác, sắp tới sẽ ra mắt album riêng. Anh muốn sẽ thành công hơn để có thể để dành nhiều tiền, xây cho mẹ một mái nhà tươm tất. Mẹ anh bị bệnh về cột sống, thường xuyên đau nhức khắp người, anh luôn muốn đón mẹ vào thành phố để có thể chăm sóc mẹ tốt hơn, tuy nhiên mẹ anh vẫn muốn gắn bó với ruộng đồng quê hương.
Trăn trở sâu thẳm trong Phúc bao nhiêu năm qua, đó là tìm được cha đẻ của mình, người mà anh chưa từng biết đến tên, khuôn mặt. “Mẹ tôi 54 tuổi, bà quê ở Nghệ An nhưng lấy cha tôi là người Thanh Hóa. Năm 1990, cha mẹ lạc mất nhau, mẹ tôi về Gia Lai lập nghiệp và sinh ra tôi. Từ đó, chưa bao giờ tôi biết đến bóng hình thân thương của cha. Nếu có thể, tôi luôn muốn được một lần gặp cha, ôm cha, để biết về nguồn cội của mình…”, chàng trai lạc mất cha mình 28 năm qua xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.