Chàng trai làm giàu từ trái vả

26/03/2021 15:54 GMT+7

Trong quá trình kinh doanh và chế biến món ăn, Mai Quốc Bảo phát hiện trái vả rất tốt cho đường tiêu hóa. Anh đã bắt tay vào tìm hiểu về trái vả…

Sau học xong THPT cậu học trò Mai Quốc Bảo ở làng quê nghèo của huyện phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bước chân vào giảng đường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Và sau khi tốt nghiệp ĐH, Mai Quốc Bảo làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại các công ty ở TP.HCM. Trải qua công việc thực tế rồi tự học, tích lũy thêm kiến thức kinh doanh, Bảo đã mạnh dạng mở một nhà hàng chuyên bán các món ăn Huế. Nguyên liệu được chọn từ quê gửi vào, trong đó có trái vả tươi dùng đề ăn kèm với các món chính.

Nông dân Thừa Thiên-Huế bán vả giá cao ngất ngưởng nhờ cựu cán bộ Đoàn làm điều này

Mai Quốc Bảo

“Đây là sản phẩm độc đáo của Thừa Thiên-Huế, vì rượu vang được sản xuất trên thành phần chính là quả vả. Thành phần chính trong rượu vang có chứa một lượng polyphenol rất cao. Đây là chất có tác dụng chống ô xy hóa giúp cho cơ thể rất là tốt. Quả vả rất tốt cho hệ tiêu hóa của con người”

Tiến sĩ Đặng Văn Khánh

                    Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm Thừa Thiên - Huế

Trong quá trình kinh doanh và chế biến món ăn, Mai Quốc Bảo phát hiện trái vả rất tốt cho đường tiêu hóa. Anh đã bắt tay vào tìm hiểu về trái vả. Sau 4 năm nghiên cứu anh đã tìm ra được giá trị của trái vả, cộng với một thời niên thiếu của mình ở quê anh nhận ra một điều, nhiều nhà trồng vả nhưng dùng rất ít, có khi hái đem ra chợ bán thì chẳng được bao nhiêu tiền, thậm chí tới mùa vả rụng đầy gốc bỏ rất uổng phí.

Vườn vả do anh Bảo tài trợ giống và phân bón cho nông dân dưới chân núi Bạch Mã

Ấp ủ từ đây, anh bắt đầu tính tới việc khai thác hết những giá trị của cây vả, đồng thời giúp cho bà con nông dân nghèo ở quê phát triển diện tích trồng vả tăng thu nhập, nên anh quyết định bán hết nhà cửa tích cóp bấy nhiêu năm ở TP.HCM được 7 tỉ đồng đưa vợ con về quê để đầu tư vào cây vả.
Anh thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng để chế biến trái vả thành trà và rượu vang. Bên cạnh đó, anh tài trợ giống, phân bón, công chăm sóc, đồng thời bao tiêu toàn bộ trái vả giúp cho bà con nơi đây có nguồn thu ổn định. Giúp cho nhiều hộ vốn lâu nay dựa vào rừng quốc gia Bạch Mã chuyển sang trồng, chăm sóc và thu nhập từ cây vả.
Nông dân Phan Văn Ánh ở xã Lộc Hòa là người trực tiếp tham gia trồng và bán vả cho anh Bảo chia sẻ: “cây vả giúp kinh tế gia mình đi lên. Giờ gia đình minh tập trung chăm sóc cây vả”.

Anh Bảo hướng trao đổi với nông dân về kỹ thuật chiết cành gây giống vả

Cây vả rất dễ trồng, nhanh lớn, chỉ từ 2-3 năm là cho quả. Hiện tại, quả sống anh Bảo thu mua cho bà con 5.000 đồng/kg so với trước đây bà con bán chợ chỉ 500 đồng/kg, tức tăng cả chục lần. Còn vả chín thì giá thu mua lên đến 10.000 đồng/kg. Bình quân một hộ trồng từ 10 - 15 cây vả thì mỗi tháng có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng. Đến nay anh đã phát triển được 22 ha ngay dưới chân núi Bạch Mã, khu vực rừng quốc gia.
Thấy được ý nghĩa việc làm của Mai Quốc Bảo, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Linh, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho rằng: “ Đây là định hướng rất là tốt, mang tính bền vững, giải quyết khâu đầu ra cho bà con. Mô hình này tôi thiết nghĩ cần được nhân rộng cho các chương trình tương tự gắn kết các doanh nghiệp vào bà con nhân dân tạo sinh kế bền vững, hạn chế sức ép người dân vào rừng quốc gia săn bắt, phá rừng”.
Trái vả sống thu mua về được xử lý đưa vào chế biến thành trà và phần lớn được ủ lên men sản xuất ra rượu vang. Việc ủ rượu vang, anh Mai Quốc Bảo phải chở vả lên tận đỉnh núi Bạch Mã ở độ cao 1.450 mét so với mực nước biển. Núi Bạch Mã cách Huế 60 km về phía nam là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Trên đỉnh núi hùng vĩ này là cả một vùng khí hậu ôn đới như SaPa, Ðà Lạt nên việc lên men rượu vả rất tốt. Và mỗi năm anh Bảo chỉ cho ra một mẻ sau đó đưa vào chiết rót.

“Phát triển trái vả ở quê hương, tôi cảm thấy rất ấm lòng khi góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương, giúp cho người dân có cuộc sống ổn định hơn. Tạo sinh kế và có công ăn việc làm đó là niềm hạnh phúc và niềm mơ ước của tôi”, anh Bảo nói.

các ảnh dưới đây là quá trình mua trái vả và chuyên chở lên đỉnh núi Bạch Mã ở độ cao 1.450 mét so với mực nước biển để chưng cất thành rượu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.