Xuất hiện trong tập 2 Cơ hội cho ai mùa 3, thí sinh Nguyễn Trọng Hoàng nhận được sự chú ý đặc biệt của các nhà tuyển dụng. Tranh tài cùng nam ứng viên còn có đàn chị dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Thị Thanh Trúc - cử nhân Quan hệ quốc tế Trường đại học HUFLIT, cử nhân chuyên ngành Tâm lý trị liệu Trường đại học KHXH&NV TP.HCM.
Tưởng chừng sẽ “lép vế” so với ứng viên có hồ sơ “khủng”, Trọng Hoàng gây bất ngờ khi sở hữu không ít thành tích đáng nể như: Quán quân cuộc thi Tài năng Lãnh đạo 2018, Top 4 cuộc thi Khởi nghiệp Doanh nghiệp Xã hội toàn quốc, 3 năm kinh nghiệm lên kế hoạch và quản lý dự án Marketing - Truyền thông tích hợp cho các tập đoàn đa ngành, quản lý truyền thông của Nhà sáng tạo nội dung số với hệ thống các kênh mạng xã hội sở hữu hơn 2 triệu người theo dõi.
Trọng Hoàng vượt đàn chị chinh phục các nhà tuyển dụng |
chụp màn hình |
Đáng chú ý, anh khiến các nhà tuyển dụng vô cùng bất ngờ khi chia sẻ mình là người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Phần giới thiệu thẳng thắn này đã tạo ấn tượng mạnh đối với các nhà tuyển dụng. Trọng Hoàng nói: “Tôi đến đây với mong muốn đặt ra vấn đề về định kiến giới trong môi trường công việc, đặc biệt là đối với cộng đồng LGBTQ+. Không quan trọng chúng ta là ai, ngoại hình như thế nào hay chúng ta yêu ai, mà quan trọng là năng lực, ước mơ, thái độ làm việc sẽ quyết định bạn có đạt được thành công trong cuộc sống hay không”.
Bằng vốn ăn nói khéo léo cùng kiến thức chuyên môn về Marketing - Truyền thông đa ngành, Trọng Hoàng đã chiếm ưu thế so với đàn chị ngay từ những vòng đầu. Sau nhiều vòng thử thách, nam ứng viên đã xuất sắc nhận được 4 lời mời làm việc của các công ty lớn như: DH FOODS, Bảo Ngọc, FPT Telecom và Elise. Cuối cùng, anh chọn đầu quân về công ty thời trang Elise với vị trí Trợ lý Digital Marketing cùng mức lương 30 triệu đồng.
Khá bản lĩnh trong công việc, ít ai biết Trọng Hoàng từng trải qua nhiều thăng trầm vì định kiến giới. Chia sẻ với Thanh Niên, nam ứng viên thừa nhận từng áp lực vì bị kỳ thị trong môi trường làm việc. "Mọi người thường nghĩ rằng ngành marketing - truyền thông thường cởi mở và việc phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng LGBTQ+ là chuyện không còn phổ biến. Thực ra từ lúc đi làm đến giờ đã rất nhiều lần tôi phải trải qua những tình huống như vậy. Một chị HR (quản trị nhân sự) từng không chọn tôi chỉ vì tôi là người đồng tính. Tôi cũng từng bị cấp trên không cho đi gặp đối tác”.
Tranh thủ cơ hội tìm việc tại chương trình, cựu sinh viên trường Ngoại thương Hà Nội mong muốn lan tỏa thông điệp xây dựng môi trường làm việc văn minh, tôn trọng sự đa dạng giới. "Tôi luôn mong muốn một ngày nào đó có thể dùng tiếng nói của mình để phần nào ngăn chặn tình trạng quấy rối và kỳ thị cộng đồng LGBTQ+ nơi công sở", Trọng Hoàng trải lòng.
Bình luận (0)