Một chân đạp xe đi tìm việc trước khi khởi nghiệp
Đó là câu chuyện khiến nhiều người nể phục mỗi khi nghe về quá khứ khó khăn của chàng trai Nguyễn Duy Nin (32 tuổi, trú tại thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình).
Chỉ còn 1 chân, anh Nin vẫn thành công khi tìm được con đường riêng cho bản thân |
Bá CƯờng |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ Nin đã ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, anh vừa học vừa tìm công việc làm thêm phụ giúp bố mẹ. Năm 17 tuổi, khi còn đang là một thiếu niên sắp sửa bước vào đại học, Nin vẫn chăm chỉ đi làm thêm, phụ bốc vác cho các xưởng gỗ.
Số phận không may ập đến với chàng trai trẻ, trong một lần đi làm gặp tai nạn đứt dây cần cẩu, gỗ rơi đè chân trái của Nin. Do Nin không được sơ cứu đúng cách dẫn đến hoại tử nên bác sĩ phải buộc cắt đi một phần chân trái của anh.
Kể từ đó, một chàng trai lành lặn, tràn đầy năng lượng bỗng trở thành một người mang khiếm khuyết cơ thể và luôn nghĩ đến cái chết khi thấy bạn bè được đến trường.
Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ do đôi tay của anh Nin làm ra luôn được khách hàng yêu thích |
BÁ Cường |
"Khoảng thời gian đó, tôi bị trầm cảm, chỉ sau một biến cố mà cuộc đời tôi như bị nhấn chìm hoàn toàn. Trong suốt 1 năm, tôi luôn tìm cách tự tử nhưng không thành. May thay sau một khoảng thời gian, thấy bố mẹ, em út cực khổ làm lụng, tôi đã thay đổi dần suy nghĩ", Nin nhớ lại.
Hơn 1 năm sau khi xảy ra biến cố, đôi chân vẫn chưa thực sự lành vết thương nhưng vì muốn giúp bố mẹ, Duy Nin vẫn đạp xe bằng 1 chân từ H.Quảng Ninh vượt gần 20 km về TP.Đồng Hới để tìm việc.
"Đó là thời điểm cuối năm 2009, tôi đã đạp xe để đi tìm việc mỗi ngày, chân chưa lành vết thương nên thỉnh thoảng đi quá sức, nó lại chảy máu. May thay có một xưởng làm đồ gỗ mỹ nghệ tại TP.Đồng Hới nhận tôi vào dạy nghề, rồi từ đó tôi gắn bó với nghề này như một cơ duyên", Nin chia sẻ.
Chàng trai khiếm khuyết đa tài
Học việc được một thời gian, Nin tiếp tục vào Nam để nâng cao tay nghề, đến năm 2011, anh quay về và mở một xưởng làm đồ gỗ mỹ nghệ tại nhà. Khoảng thời gian đầu, bằng số vốn ít ỏi, chàng trai này gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vốn mua sắm máy móc. Anh vừa làm cho xưởng của mình, vừa đi làm thuê cho các xưởng khác trên địa bàn để kiếm thu nhập.
Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn, đến nay xưởng gỗ mỹ nghệ của anh Nin đã có tên tuổi trên địa bàn huyện |
Bá Cường |
Sau một khoảng thời gian, tên tuổi của Nin dần được nhiều người trong thôn, xã biết đến nhờ những sản phẩm chất lượng. Ở xưởng mộc có tên Duy Nin CNC, hầu như món hàng gì cũng nhận làm từ đồ trang trí nhà cửa, đồ gia dụng hay trang sức bằng gỗ.
"Mất hai năm để tôi vừa làm việc cho xưởng và đi làm thuê cho các xưởng khác. Đến cuối năm 2013, cơ sở của tôi đã được nhiều người tìm đến, số lượng khách hàng cũng tăng ngày càng nhiều. Dần dần tôi có thêm vốn liếng để sắm máy móc, mở rộng xưởng", Nin vừa gia công những thớ gỗ, vừa mỉm cười tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Nin đã được mở rộng thêm, nhiều máy móc hiện đại với giá thành cao được anh chịu khó đầu tư để phục vụ cho công việc. Duy Nin tiết lộ, mỗi năm có thể thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ việc làm các đồ gỗ mỹ nghệ.
Một số sản phẩm dùng máy nhưng anh Nin vẫn phải cất công trông nom để chúng không bị hỏng |
Bá Cường |
Điều làm nhiều người bất ngờ hơn ở Duy Nin không chỉ vì nghị lực vượt khó mà anh còn đang là võ sư dạy môn võ karate. Với hơn 10 năm tập luyện, Nin hiện là võ sư tam đẳng, thuộc thành viên của hiệp hội karate Quảng Bình.
Anh Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh, đánh giá cao nghị lực vượt khó của Duy Nin và những công việc mà anh đóng góp cho xã hội.
"Thực sự anh Nin là một tấm gương để các bạn trẻ học hỏi, không chỉ từ câu chuyện vượt khó, khởi nghiệp thành công và làm những nghề mà không ai nghĩ sẽ làm được. Chàng trai này còn là một thành viên tích cực trong các hoạt động đoàn, hoạt động tình nguyện, luôn kêu gọi hết mình và nhiệt tình cống hiến", anh Duy chia sẻ.
Bình luận (0)