Năm 2019 đến nay, anh Tấn đã vận động xây dựng 4 cây cầu nông thôn với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Hiện, cây cầu thứ tư đang dần hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu lớn nhất từ trước đến nay do anh vận động, chiều dài 43 m, mặt cầu rộng 3 m, kinh phí gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn nỗ lực vận động xây dựng 6 căn nhà cho đoàn viên, thanh niên, đội viên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, với tổng kinh phí trên 360 triệu đồng.
Từ năm 2023, anh Tấn xây dựng mô hình dân vận khéo "Chăm lo người già neo đơn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn" xã Phú Mỹ. Theo đó, mỗi tháng, có 20 phần quà (gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì) được trao tặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, anh đã vận động được 51 chiếc xe đạp, trị giá hơn 100 triệu đồng, trao tặng học sinh nghèo.
Để thực hiện những hoạt động thiện nguyện, anh phối hợp cùng 3 nhà hảo tâm thân quen. Người hỗ trợ xây nhà cho đoàn viên, thanh niên khó khăn; người đồng hành hoạt động xây cầu; người hỗ trợ quà hằng tháng cho người cao tuổi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, anh Tấn đã xây dựng kế hoạch, mô hình hỗ trợ đoàn viên, thanh niên Khmer phát triển kinh tế, học nghề, giới thiệu việc làm và tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Tấn cho biết trước giờ, người dân địa phương chủ yếu nuôi bò, làm ruộng, chưa có mô hình phát triển kinh tế bền vững nên nhiều thanh niên ly hương đi làm công nhân ở xa. Từ những trăn trở đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên Khmer khởi nghiệp, anh đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng màu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp đoàn viên, thanh niên Khmer phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định.
Điển hình là anh Thạch Minh Trí (ngụ ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ). Nhờ nhận được nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, anh Trí đầu tư nuôi bò, nuôi trùn quế theo mô hình khép kín. Mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt khi anh vừa tận dụng phân bò nuôi trùn quế, còn trùn quế thì để bán cho những cơ sở nuôi gà, vịt, lươn… Hiện, anh Trí nhân đàn thành công và nuôi khoảng 20 con bò. Trại nuôi trùn quế được mở rộng từ 10 m2 lên 60 m2. Từ hiệu quả này, mô hình tiếp tục được nhân rộng cho 5 đoàn viên, thanh niên trong xã áp dụng.
Trong năm 2024, anh Tấn đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo "Chăm lo đời sống cho người yếu thế", hỗ trợ hằng tháng cho 10 người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 200.000 đồng/tháng/người. Đồng thời, đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí cho đoàn viên, thanh niên mua máy làm phân nén trùn quế để bón cho cây cảnh, cây lúa, giúp mô hình nuôi trùn quế phát triển mạnh trong đoàn viên, thanh niên Khmer địa phương.
Bình luận (0)