Chàng trai nuôi 'mực nhảy' lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ

22/09/2023 07:30 GMT+7

Không những thành công đưa con mực biển đang bơi vào bờ, anh Nguyễn Bá Ngọc (34 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) còn thành công trong việc nhân giống và nuôi mực ở môi trường bán tự nhiên trên vùng biển Ninh Thuận.

TẠO LỐI ĐI RIÊNG

Nguyễn Bá Ngọc quyết định đến Ninh Thuận khởi nghiệp với dự án "Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên" tạo ra lối đi riêng, mang giá trị khác biệt để phát triển kinh tế cho mình và ngư dân địa phương.

Chàng trai nuôi 'mực nhảy' lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Bá Ngọc với mô hình “Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên"

Năm 2019, Nguyễn Bá Ngọc vào tỉnh Ninh Thuận thành lập Công ty cổ phần mực nhảy Biển Đông, khởi nghiệp bằng việc thu mua sản phẩm mực sống rồi phân phối cho các nhà hàng, vựa hải sản ở các tỉnh, TP khu vực phía nam.

Để có được sản phẩm mực đang còn bơi đến với khách hàng ở các TP cách biển hàng trăm cây số, ngoài việc đào tạo nhân lực, đội ngũ kỹ thuật để vận chuyển con mực đang sống đến với khách hàng thì cần sự hợp tác của ngư dân đang đánh bắt ở ngoài khơi.

"Ngày đầu tiên tôi đem ý tưởng này trao đổi với ngư dân ở Ninh Thuận, nhưng hầu hết họ đều từ chối vì việc đưa con mực từ ngoài khơi về đến bờ mà nó vẫn đang tươi sống thì xưa nay không ai làm được", anh Ngọc kể.

Chàng trai nuôi 'mực nhảy' lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ- Ảnh 2.

Mực được nuôi trong môi trường bán tự nhiên

Thiện Nhân

Không nản lòng, Ngọc tự thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển để lắp vào thuyền của ngư dân và hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân khi đánh bắt được con mực thả vào hộp thông thủy (có môi trường nước như ở biển) để con mực duy trì sự sống. Khi vào bờ, con mực được chuyển vào bể nước hoặc hệ thống lồng bè nuôi giữ. Bên trong thùng xe tải vận chuyển có hồ chứa nước mặn để duy trì sự sống cho con mực. Với quy trình khép kín này, con mực hoàn toàn tươi sống khi được chuyển đến cho khách hàng. Hiện tại, anh Ngọc đang hợp tác với hơn 300 ngư dân đang đánh bắt hải sản ở các ngư trường lớn, như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu… để mua "mực nhảy" với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với cách bán thông thường của ngư dân.

Độc đáo mô hình đem mực non ra nuôi giữa biển: Mỗi lồng thu cả tỉ một năm

ĐẦU TƯ MÔ HÌNH NUÔI NHÂN GIỐNG VÀ NUÔI MỰC THÍ ĐIỂM

Từ việc mua và phân phối "mực nhảy", anh Ngọc thấy được sức hút tiêu thụ của thị trường rất lớn nhưng sản phẩm khai thác bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên đã đầu tư nghiên cứu mô hình "Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên" song song với việc mua "mực nhảy".

Theo anh Ngọc, từ trước đến nay để nuôi con mực, các trang trại và ngư dân thường bắt con giống từ tự nhiên, đem về nuôi đến khi trưởng thành chứ chưa tự chủ quy trình nuôi mực. Với những kinh nghiệm đã có, anh Ngọc mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi nhân giống và nuôi mực thí điểm trên diện tích 180 m2 tại khu vực vịnh Vĩnh Hy, H.Ninh Hải.

Sau thời gian nuôi thí điểm, đem lại hiệu quả cao, mực đẻ trứng nhiều và tỷ lệ nở thành con rất cao, mực phát triển tốt, đầu năm 2022, Ngọc mượn quỹ nước ở vùng biển xã Thanh Hải (khu vực C3, xã Thanh Hải, H.Ninh Hải) đầu tư 2 lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HDPE với quy mô gần 2.400 m2 để đáp ứng cho việc nghiên cứu và thí điểm ở quy mô lớn hơn. Tại 2 lồng nuôi anh Ngọc tập trung nuôi mực bố mẹ để lấy trứng và nuôi mực thương phẩm.

"Mực bố mẹ được bắt từ biển về sẽ đưa vào nuôi, sinh sản mỗi lứa khoảng 50.000 trứng. Sau đó, trứng được đưa về trại ấp từ 5 - 7 ngày, sẽ nở ra con non (tỷ lệ trứng nở đạt khoảng 50%). Từ con non nuôi thành con giống khoảng 17 - 25 ngày tuổi, sau đó đưa ra lồng bán tự nhiên để nuôi", anh Ngọc nói và cho biết ưu điểm của mô hình nuôi mực bán tự nhiên là diện tích lớn, xung quanh có lưới bao, phần đáy là đáy biển nên mực vẫn tìm được nguồn thức ăn tự nhiên.

Theo anh Ngọc, ở môi trường bán tự nhiên chỉ cần cho mực ăn với hệ số thức ăn 2.0 (tương 2 kg thức ăn/1 kg thịt mực thương phẩm) sau khoảng 5 tháng nuôi, có con đã đạt hơn 1 kg (mực lá).

"Khi chúng tôi làm chủ được con giống để cung cấp cho các hộ nuôi thì 1 lồng nuôi tầm 1.000 m2 thả khoảng 10.000 con mực giống. Sau 5 - 6 tháng nuôi cho thu hoạch bình quân khoảng 7 tấn mực, đem lại lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/vụ (nuôi 2 vụ/ năm)", anh Ngọc phân tích và cho biết hiện cần diện tích mặt nước lớn để làm những cái lồng với quy mô từ 10 - 100 ha. Chỉ với cách làm này doanh nghiệp mới chủ động được một lượng trứng lớn phục vụ cho việc tạo ra con giống cung cấp cho thị trường.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là mô hình mới được triển khai đầu tiên ở Ninh Thuận, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này, ngành nông nghiệp đang khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, nhân rộng.

Anh Nguyễn Bá Ngọc là 1 trong 81 doanh nhân trẻ được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.