“Mình mang lại giá trị gì cho người khác?”
Một lần vô tình xem được đoạn clip của một cậu bé 8 tuổi người Nhật cắt mái tóc dài của mình để tặng cho người bạn ung thư, Tuấn Tùng bị thuyết phục bởi tình yêu thương của đứa trẻ. Thế là Tùng bắt đầu tìm hiểu về mạng lưới những người ung thư và nhận thấy mái tóc đen dài là thứ mà họ mong muốn nhận được.
Anh bắt đầu tìm kiếm những tổ chức nhận tóc tại Việt Nam và nuôi tóc từ cuối năm 2017. Thời gian đầu, họ hàng và những người xung quanh phản ứng khá mạnh. “Mọi người không quan tâm đến lý do mà chỉ cho rằng do tôi muốn gây sự chú ý, muốn thể hiện bản thân nên làm khác người. Tôi chỉ lắng nghe vì nếu giải thích tiếp thì bị nói là viện cớ và ngụy biện”, anh cho hay.
May mắn vì có một gia đình tâm lý, từ bé Tùng đã được lựa chọn cho những quyết định của mình nên khi biết anh để tóc dài thì gia đình cũng không phản ứng nhiều. “Lần đầu đi ăn giỗ với mái tóc dài, họ hàng đã nói rất nhiều, có người khuyên nên để tóc ngắn thuận lợi cho công việc, tóc ngắn trông mới đàng hoàng. Lúc đó, tôi đã rất buồn nhưng nếu việc mình làm không ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống thì tôi vẫn sẽ tiếp tục”, anh nói.
|
Đến tháng 4.2019, anh cắt đi mái tóc của mình để hiến tặng cho mạng lưới những người ung thư. Không may mắn, tổ chức vừa ngừng nhận tóc và một tháng sau hoạt động trở lại nhưng thay đổi tiêu chuẩn từ 14 cm lên 25 cm. Tóc đã cắt không đủ độ dài để hiến tặng, Tùng quay về và bắt đầu nuôi tóc mới đến nay.
“Lúc trước, tôi luôn thắc mắc tại sao con gái gội đầu rất lâu, phòng thì luôn có tóc rụng trên sàn, đi ăn lại hay xin thun buộc… Hiện tại thì những thắc mắc đó đã được giải đáp, tôi cũng thấu hiểu được một phần “nỗi khổ” của các bạn nữ” |
“Lần đầu để tóc dài, tôi nhận thấy rất nhiều ánh nhìn không thiện cảm từ những người xung quanh nhưng với tôi, điều quan trọng nhất là bản thân và hành động của mình mang lại giá trị gì cho người khác. Mọi người nhìn nhận về tôi thế nào là câu chuyện của họ và tôi không muốn nghĩ tiêu cực về nó”, Tùng chia sẻ.
Dần dần, anh cảm thấy quen với những câu nói, lời khuyên và ánh nhìn từ bạn bè, người lạ. Việc của anh bây giờ là nuôi một mái tóc dài và nhanh chóng hiến tặng cho những người đang cần đến nó.
“Việc làm của tôi không có gì lớn lao!”
|
Từ một chàng trai hơn 26 năm sống với mái tóc được cắt ngắn, nay lại có thêm nhiều trải nghiệm thú vị với mái tóc dài. Anh nói: “Lúc trước, tôi luôn thắc mắc tại sao con gái gội đầu rất lâu, phòng thì luôn có tóc rụng trên sàn, đi ăn lại hay xin thun buộc… Hiện tại thì những thắc mắc đó đã được giải đáp, tôi cũng thấu hiểu được một phần “nỗi khổ” của các bạn nữ”.
Ngoài vấn đề xã hội, Tùng không gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi tóc. “Gội đầu, dùng khăn tắm lau khô rồi để khô tự nhiên chứ không dùng máy sấy tóc. Tóc không được nhuộm hay lạm dụng hóa chất vì ngân hàng tóc ưu tiên những mái tóc tự nhiên cho bệnh nhận”, anh cho hay.
Theo anh, ngân hàng tóc sẽ nhận tóc tự nhiên có độ dài từ 25 cm trở lên, tóc uốn, duỗi, nhuộm thì từ 30 cm trở lên, tóc được cắt và lưu giữ không quá 2 năm và nhiều tiêu chuẩn khác. “Nuôi tóc dài không chỉ giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị cho bản thân mình mà còn giúp ích được cho cộng đồng những người ung thư. Vì vậy, một số khó khăn nhỏ mà tôi gặp phải cũng không khiến tôi nản lòng”, anh nói.
Hiện tại, Tùng đang làm kinh doanh nhỏ và quản lý cho một dự án hoạt động xã hội. Tham gia hoạt động xã hội gần 9 năm nên anh càng muốn đóng góp sức trẻ của mình cho cộng đồng. “Đồng nghiệp, bạn bè hiểu câu chuyện của mình nên họ hưởng ứng bằng nhiều cách như tự nuôi tóc, vận động mọi người cùng tham gia… Việc làm của mình không có gì lớn lao nhưng mọi người cùng làm sẽ tạo ra đóng góp thiết thực cho xã hội”, anh cho hay.
|
Ngoài ra, Tuấn Tùng còn thành lập một dự án xóa mù bơi và hoạt động từ năm 2016. Hai năm đầu, lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí nhưng hiện tại, chi phí chi trả cho địa điểm, nhân sự cộng thêm học viên nhiều buộc anh phải thu một mức phí để duy trì dự án.
Bên cạnh đó, anh từng thực hiện nhiều dự án khác nhau như dự án dùng động vật (cụ thể là chó) để hỗ trợ điều trị cho các trung tâm có trẻ tự kỷ gặp vấn đề về tâm lý, cứu hộ cứu nạn cho động vật, các lớp dạy về sơ cấp cứu tiền sản… “Tôi muốn tập trung trao giá trị và kỹ năng mà tôi học được cho người cần giúp đỡ chứ không bằng hiện vật, lúc đó họ sẽ làm chủ và vận dụng được kỹ năng đã học vào cuộc sống của mình”, Tùng nói.
Nói về dự định tương lai, anh cho biết bản thân sẽ làm việc để tích lũy thêm tài chính rồi vài ba năm sẽ “về vườn” sống cuộc sống mà anh mong muốn, kết hợp làm thêm về tâm lý hoặc trị liệu và duy trì tham gia các hoạt động xã hội tùy vào khả năng của anh.
Bình luận (0)