Chàng trai thích 'đi bụi' hết Việt Nam chia sẻ mẹo đi đường dài không mệt

11/10/2022 10:00 GMT+7

Bước ra khỏi vùng an toàn để thử thách bản thân, chàng trai này đã tạm gác công việc và bắt đầu “đi bụi” để ghi lại tất cả những cung đường đẹp của Việt Nam.

Gác việc để “đi bụi”

Trước khi bắt đầu hành trình “đi bụi”, công việc trước đây của Tấn Đạt là một chuyên viên hình ảnh nhưng sau khoảng 3 năm ngồi trên máy tính liên tục, Đạt cảm thấy vô cùng nhàm chán nên quyết định dừng các công việc, bước ra ngoài để đi và kết bạn nhiều hơn.

“Công việc thấy quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu và tôi luôn đặt câu hỏi là sẽ làm đến bao giờ. Quan trọng hơn, tôi muốn nghỉ việc để thử thách bản thân và tự xây dựng mình lại từ đầu xem có khó khăn không”, Tấn Đạt chia sẻ.

Đạt dừng mọi công việc vì muốn khám phá bản thân mình hơn

NVCC

Nghĩ là làm, đầu năm 2022, sau khi dừng lại tất cả các công việc, Tấn Đạt bắt đầu chuyến hành trình “đi bụi” của bản thân. Khi Đạt đã chia sẻ những trải nghiệm của mình sau chuyến hành trình một mình đầu tiên từ TP.HCM đến Tà Nùng, xuống Ninh Thuận rồi đến Huế sau đó về lại TP.HCM đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Với nội dung tích cực của chuyến đi đó là anh muốn những người “đi bụi” giống mình ứng xử một cách văn minh hơn, không ồn ào và mang hình ảnh xấu.

“Khi đi đường xa, đôi khi chúng ta sẽ gặp một số người hay chọc ghẹo mình trên đường, thay vì thách thức thì tôi thích bày tỏ qua một cái chào hay cái nhìn thân thiện thì người ta sẽ tôn trọng mình thôi”, Tấn Đạt cho hay.

Ngoài ra, ở mỗi chuyến đi, anh còn chia sẻ rất nhiều kiến thức từ mẹo đi đường dài không mệt, chuẩn bị chi phí “đi bụi”, làm chìa khóa sơ cua… cho đến việc đối phó với cướp, kết nối với người dân địa phương… Và điểm đặc biệt của anh, chính là Tấn Đạt thường lựa chọn những cung đường mới khác với lộ trình xuyên Việt thông thường để trải nghiệm được những cung đường mới lạ ở Việt Nam.

Khi được hỏi người “đi bụi” có nên đi khác lộ trình giống mình hay không, Tấn Đạt cho biết anh luôn nói ưu và nhược điểm của con đường đó cho mọi người tham khảo và tùy vào sức mình mà mỗi người có thể lựa chọn khám phá. “Khi chia sẻ kinh nghiệm, tôi nhận ra có nhiều mẹo vặt khi ‘đi bụi” nhưng hầu như mọi người thường không để ý đến. Và dù tôi chạy một mình vào các đường mới nhưng tôi không khuyến khích mọi người bắt buộc phải chạy theo mình, vì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Bản thân tôi khi đi đường lạ cũng luôn cẩn trọng và tuyệt đối không chạy xe ban đêm”, Tấn Đạt khẳng định.

Không phải “đi bụi” một lần rồi thôi

Tấn Đạt cho biết cứ tầm khoảng vài tháng là anh lại bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến “đi bụi” của mình. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 5 ngày, với lộ trình hơn 3.000 km và anh đã đi hết tất cả các tỉnh miền Trung, nơi đi xa nhất là Thanh Hoá.

“Hiện tại, tôi chưa xuyên Việt vì kế hoạch trong năm nay của tôi là khám phá những con đường mới lạ ở Việt Nam trước để vạch ra lộ trình riêng cho bản thân và năm sau thì mới tập trung vào những địa điểm nhất định để tìm hiểu về văn hóa, con người ở đó. Bởi tôi muốn mình trải nghiệm không chỉ là ở đường đẹp mà còn là giá trị đặc biệt ở nơi đó, vì tôi rất thích khám phá nên không phải đi một lần rồi thôi”, Tấn Đạt cho biết.

Ngoài ra, Tấn Đạt còn bày tỏ mong muốn mình sẽ làm một Vlogger du lịch chuyên nghiệp đem hết tất cả vẻ đẹp, văn hóa, lịch sử… của Việt Nam giới thiệu đến mọi người.

Đạt hy vọng trong năm nay mình sẽ chinh phục hết tất cả cung đường của Việt Nam

nvcc

Phong cách “đi bụi” của Tấn Đạt chính là hướng đến sự bình yên, nhẹ nhàng và mang hơi hướng cô đơn. Bởi anh muốn mọi chuyến đi của mình đều mang sự tích cực ở trong đó và bí quyết để cho một chuyến đi thành công chính là hãy đi để tìm kiếm sự thư giãn, vui vẻ và không nên giữ sự tiêu cực mãi trong đầu.

Là người từng đồng hành cùng Đạt trong một chuyến đi, Thanh Trà (20 tuổi) cho hay: “Anh Đạt là một người rất chân thành, đơn giản và rất thích làm quen với mọi người. Khi được đồng hành cùng anh, tôi thấy rất ngưỡng mộ vì Đạt rất chịu khó tìm ra những con đường mới để có những trải nghiệm đáng nhớ”.

Dù đi một mình, nhưng anh luôn khuyên mọi người khi đi luôn đồng hành nhiều xe khác nhau đảm bảo sự an toàn cho bản thân

nvcc

Khi được hỏi về việc “đi bụi” nhiều thì làm sao có đủ kinh phí để đi khi đã bỏ việc, Tấn Đạt chia sẻ: “Trước khi quyết định để đi, tôi đã tập trung làm việc để dành ra khoản tiết kiệm chuẩn bị cho mọi thứ rồi mới bắt đầu hành trình của mình. Nên phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người, không thể thấy người ta bỏ việc rồi đi mà mình không có gì đề phòng mà cũng đi thì rất hại”.

Chàng trai này cho rằng, không chỉ người trẻ, bất kỳ ai khi muốn bỏ hết mọi thứ để “đi bụi” thì nên tạo cho mình một khoản kinh tế riêng và xác định khi mình đi thì đem lại giá trị gì cho bản thân. Đi để giải tỏa thì cứ dung hòa “một khoản cho đam mê, còn lại cho tương lai”, còn nếu đi để tìm hiểu việc làm về du lịch hay dẫn tour thì cũng là cái hay để sinh ra kinh tế cho bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.