Từng được đặt ảnh trước quan tài
Từ khi sinh ra, Đinh Đồng Giang đã không may mắn, anh bị liệt nửa người, tay phải không thể cử động và không đi lại được. Mỗi ngày ngủ dậy, Giang phải nhờ cha mẹ đánh răng, cho ăn. Mọi việc, Giang chỉ biết chờ người thân giúp đỡ.
Khi bắt đầu vào học lớp 1, cánh cổng đến trường chưa kịp mở ra đã vội khép lại. Giang chia sẻ: “Cứ mỗi khi đi học là tôi lại ốm, khỏi ốm rồi đi học lại ốm. Tôi phải dừng việc học vì không thể theo kịp. Một lần ốm, tôi không ăn uống gì suốt 7 ngày. Sợ con chết, bố mẹ tôi đã đi chụp ảnh thờ và đặt trước quan tài”.
Tuổi thơ của Giang là những năm tháng chống chọi với bệnh tật. Giang tâm sự: “Tôi khao khát có được một cuộc sống bình thường giống như bao bạn cùng trang lứa. Tôi ước mình được đi học để biết chữ, đọc sách”.
Năm 10 tuổi, Giang được anh chị em đi học về dạy cho bảng chữ cái rồi tập đánh vần. Cứ thế, Giang quen mặt chữ rồi một mình tự cầm bút viết ra giấy những dòng chữ ngoằn ngoèo. Anh lấy sách báo đánh vần đọc từng từ, rồi viết ra giấy cho quen mặt chữ. Mỗi khi xem tivi, Giang lại đọc dòng chữ chạy trên màn hình. Chỉ nhờ tự học mà giờ anh có thể đọc, viết thành thạo.
Năm 20 tuổi, Giang được đi phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức và đã có thể đi lại được, nhưng tay vẫn khó cử động và không thể cầm được những vật nặng.
Tạo hình cho rác
Dù không được học hành như những người bình thường, nhưng Giang rất giàu ý tưởng sáng tạo. Năm 2019, thấy màu lông gà rất đẹp, lại bóng và mượt, nếu bỏ đi sẽ rất phí, anh có ý tưởng thu thập lông gà để làm tranh.
|
“Tôi làm sạch, phơi khô và tạo hình bằng cách dán lông gà trên những tấm bìa bỏ đi. Bức tranh đầu tiên, tôi xếp thành chữ Phúc”, Giang chia sẻ.
Sau khi làm xong và đăng lên trên mạng xã hội, nhiều người rất thích thú, khen tranh rất độc đáo và đẹp. Từ đó, anh lên ý tưởng sử dụng vật liệu tái chế để làm ra nhiều bức tranh khác. Không chỉ lông gà, Giang còn gom nhặt những vật liệu khác như sỏi đá, giày dép, xốp, nhựa, bìa cát tông đã bỏ đi… để làm tranh.
Giang chia sẻ: “Một bức tranh tôi làm trong khoảng 1 - 2 tiếng, cũng có tranh làm từ sỏi đá thì phải làm cả tuần, vì việc dính từng viên đá một rất lâu, mà tay tôi không thể làm việc liên tục được”.
Mỗi bức tranh của Giang có một ý nghĩa và sự độc đáo riêng. Bức tranh Cha mẹ được anh làm từ lông gà và khung tranh tự tái chế. Chữ Cha được tạo nên từ hình dáng một người cha đang vất vả mưu sinh, chữ mẹ là hình ảnh bà mẹ vai gánh tảo tần.
“Khi nhìn vào bức tranh, mọi người phần nào sẽ hiểu được sự vất vả, hy sinh của đấng sinh thành”, anh nói về ý tưởng của mình.
Bên cạnh làm tranh, anh Giang còn làm đồ chơi, tiểu cảnh từ những vật dụng bỏ đi. Anh tái chế bằng tất cả những vật liệu mà gia đình không sử dụng như chai nhựa, lọ thủy tinh, lon nước ngọt, chum vỡ, ấm nước, cán chổi...
“Những chai lọ vỡ rồi vứt ra đường rất nguy hiểm và ô nhiễm, tôi thu gom để làm các tiểu cảnh hoặc cắt ra làm chậu cây, làm chuông gió, đèn ngủ, hay đèn treo trên trần nhà. Thay vì bỏ nó vào thùng rác, sao ta không thổi hồn vào nó? Vừa cứu sống nó, vừa không thải rác ra môi trường”, Giang nói.
Có trong tay hàng trăm món đồ chơi trẻ em độc lạ, Giang cho biết: “Mình thấy các đồ chơi trên thị trường giá rất cao, nhưng sau một thời gian sử dụng sẽ hỏng và vứt đi rất phí nên mới tái chế vỏ chai nhựa, xốp... để làm đồ chơi. Nhiều em nhỏ đến nhà mình chơi và rất thích những thứ do mình tái chế từ phế liệu”.
Lan tỏa lối sống xanh
Giang không có máy móc để khoan, cưa, mài gỗ hoặc thủy tinh... Anh cũng muốn hạn chế sử dụng máy móc, để ai muốn cũng có thể tái chế phế liệu tại nhà mình. Muốn cắt chai thủy tinh để làm cốc, Giang buộc sợi dây kim loại quanh thân chai và hơ trên lửa rồi nhúng vào nước lạnh, khiến chiếc vỏ chai tự tách đôi và có ngay 1 cốc thủy tinh được cắt theo ý muốn.
|
Anh cho biết, đến nay đã làm được hơn 200 sản phẩm từ việc tái chế và tặng chúng cho những người yêu thích, bởi anh muốn lan tỏa tỏa đến mọi người tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường. Anh cũng lập một kênh YouTube mang tên Đinh Đồng Giang để giới thiệu và chia sẻ cách tạo ra những sản phẩm hữu dụng từ rác thải.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh ấp ủ mở một quán “cà phê tái chế”. Trong không gian đó, tất cả vật dụng đều là sản phẩm tái chế, ví dụ ống hút bằng tre, cốc làm từ những vỏ chai thủy tinh cắt nửa và mài nhẵn, đèn trang trí cũng tận dụng chai lọ...
“Mình muốn tạo nên một không gian dành cho những người yêu phong cách sống xanh. Từ cộng đồng nhỏ đó sẽ tỏa ra cộng đồng lớn hơn, qua đó sẽ nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần sống xanh đến mọi người”, anh trải lòng.
Đáng chú ý, tranh của Giang cũng được nhiều cô giáo ở khu vực xin về, trưng bày cho học sinh xem trong các bài giảng về môi trường và hướng dẫn tái chế rác thải. Cô giáo Trần Thị Triều, Trường THPT Trung Chính (xã Tân Lãng, H.Lương Tài), đánh giá: “Giang là người thông minh, sáng tạo và không tự ti về bản thân mà luôn cố gắng học hỏi. Các sản phẩm của bạn ấy đẹp, độc đáo lại chứa đựng bên trong những bài học về tái chế rác thải và bảo vệ môi trường. Tôi thường kể câu chuyện về Giang cho học sinh của mình như một tấm gương về nghị lực vượt khó và ý thức bảo vệ môi trường sống quanh ta”.
Bình luận (0)