Xã Thới Hưng có trên 500 ha trồng mãng cầu na và mãng cầu xiêm, sản lượng khoảng 8.000 - 9.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở ấp 6 và ấp 7. Từ lợi thế đó, nhiều người trẻ ở đây chọn cây mãng cầu để khởi nghiệp, trong đó có Võ Minh Toàn.
Anh Toàn (bìa trái) hướng dẫn đoàn viên, thanh niên về mô hình trồng mãng cầu xiêm |
DUY TÂN |
Mô hình trồng mãng cầu xiêm theo hướng hữu cơ của Toàn đang được nhiều đoàn viên, thanh niên học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, Toàn là một bí thư chi đoàn năng nổ trong các phong trào xây cầu, làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương.
Toàn cho biết bắt đầu trồng chuyên canh mãng cầu từ năm 2017 trên diện tích 6 công đất vườn nhà. Thời điểm đó, bà con nơi đây trồng xoài, riêng Toàn chọn mãng cầu để phát triển kinh tế.
Sau một thời gian trồng, thấy hiệu quả cao, Toàn mở rộng diện tích trồng lên 1,6 ha. Việc chăm sóc mãng cầu khá đơn giản, chủ yếu là tưới tiêu, bón phân đầy đủ. Để tránh ruồi vàng tấn công, mỗi trái mãng cầu đều được bao trái.
“Phải thường xuyên theo dõi từng cây để đánh giá chất lượng cho trái. Thấy cây nào suy, cho trái không đều, trái hư khi còn non, lá tàn thì bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Muốn cây cho trái đẹp, bóng, đầy đặn thì phải bao túi lưới để côn trùng không xâm hại; phải áp dụng đúng kỹ thuật”, Toàn nói.
Mãng cầu xiêm trồng khoảng 2 năm thì cho trái, nhưng từ năm thứ 3 trở đi trái mới nhiều và cho thu hoạch quanh năm. Mỗi năm, vườn mãng cầu xiêm của Toàn thu hoạch gần 80 tấn, giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg, thu lãi 600 - 700 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, Toàn còn nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương muốn khởi nghiệp từ cây mãng cầu. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thời vụ cho 5 bạn trẻ với tiền công 250.000 đồng/ngày. Sắp tới Toàn còn dự định mở rộng thêm diện tích canh tác để phát triển kinh tế.
Bình luận (0)