Chàng trai trẻ 'quét 3D' văn bia cổ

22/05/2017 06:08 GMT+7

“Quá mới, quá tuyệt vời! Ưu điểm nữa của kiểu dập bia này là không hề xâm phạm vào hiện vật”, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, reo lên trước bản bia đá được số hóa của chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang.

TS Trần Trọng Dương đã nhiều năm gắn bó với việc dập bia, đọc bia trong những ngày đi điền dã. Có những tấm bia, các nhà nghiên cứu phải lặn lội đi rất xa mới có thể có một bản dập. Có những tấm bia, người này dập rồi người khác lại đến dập… Chính vì thế, khi nhìn thấy bản bia đá tứ linh lăng mộ Vũ Hồng Lượng (xã Phù Ủng, H.Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Trí Quang đưa lên mạng, nhà nghiên cứu này đã vô cùng mừng rỡ.
Đọc từng văn tự nhỏ trên bia
Tấm bia mà ông Dương xem được trang trí họa tiết theo chủ đề tứ linh, mặt trời, mây lửa. Nó cũng có bài văn ghi công trạng của vị quan triều Lê nói trên. Khi được số hóa và đưa lên mạng tại địa chỉ http://vr3d.vn, người xem có thể được xem hình ảnh của bia, dùng chuột xoay hình ảnh đó để xem tứ bề. Cũng có thể dùng chuột thay đổi nguồn sáng rọi để quan sát rõ hơn các văn tự nhỏ. Ngoài ra, chế độ xem dạng bản dập cho phép đọc bia với chi tiết nhỏ được tái hiện rất rõ, màu sắc cũng thân thiện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đông, một trong những sáng lập viên của nhóm Đại Việt cổ phong, cũng mừng vui không kém. “Với nhóm tôi, đây đúng là kho báu. Kể cả khi quá xa xôi khó tới tận nơi xem bia thì vẫn được nhìn tận mắt, đọc được văn tự, xem được hoa văn. Văn tự rõ ràng mà không cần động chạm vào bia. Cũng dễ dàng để xem khi nó đã được đưa lên mạng”, ông Đông nói.
Một nhà nghiên cứu khác ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thậm chí còn cho rằng chất lượng bản dập này cả về độ nét và màu sắc vô cùng nổi trội. “Chất lượng rất tuyệt vời, còn hơn cả đọc bia hoặc bản dập”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.
Chàng trai trẻ 'quét 3D' văn bia cổ 1
Hình ảnh 3D của tấm bia đá tứ linh lăng mộ Vũ Hồng Lượng
Cơ hội cho bia đá, mộc bản, sắc phong
Nguyễn Trí Quang, 20 tuổi, hiện sống tại Hà Nội, người đã quét 3D và đưa các bản dập bia này lên mạng, cho biết: “Tôi chủ yếu làm về công nghệ và không hiểu được chữ trên các văn bia. Vì thế, tôi chỉ tính đến những giải pháp để tích hợp công nghệ vào việc số hóa văn bia để bất cứ ai trên khắp thế giới cũng có thể dịch và hiểu được ý nghĩa các văn bia này”. Việc lập trình để quét và chia sẻ văn bia này hoàn toàn xuất phát từ sự yêu thích văn hóa cổ của Quang. Ít ai ngờ được chàng trai này khi đang học phổ thông trung học lại nghỉ nửa chừng để ở nhà tự học lập trình.
Quang cho biết quy trình số hóa văn bia mà anh đang thực hiện gồm 2 phần: quét 3D bia đá với chất lượng cực cao để có thể lấy được cả những nét chữ mờ nhất, và lập trình để người dùng có thể xem tức thời khối dữ liệu khổng lồ mà máy quét 3D đem lại ngay trên web. “Những bia đá cổ thoạt nhìn hình khối tưởng như đơn giản, nhưng thực ra lại là một trong những hiện vật khó số hóa 3D nhất do nét chữ bị phong hóa quá mờ. Vì thế, để tái hiện được cần phải số hóa ở độ phân giải rất cao. Sau đó, lượng dữ liệu chất lượng cao này cần có một trình điều khiển riêng để hiển thị”, Quang nói.
Chàng trai trẻ 'quét 3D' văn bia cổ 2
Bản dập số hóa bia đá tứ linh lăng mộ Vũ Hồng Lượng Ảnh: Trinh Nguyễn chụp từ trang http://vr3d.vn
Tuy nhiên, công nghệ này của Quang cũng gặp khó vì hiện tại việc lắp đặt máy quét, quét bia với chất lượng tốt còn khá cồng kềnh và phải xin phép khó khăn. Vì thế, anh mới chỉ tiếp cận được các hiện vật không mất phí tiếp cận. Kinh phí chi ra chủ yếu là khấu hao máy móc, ăn ở đi lại. Chàng trai này cũng không thu phí người xem bản 3D.
Hiện tại, việc mua một máy quét hình 3D không phải là điều quá xa vời với các viện nghiên cứu lớn. Hơn nữa, Quang cho biết kể cả máy quét đắt nhất cũng chỉ chiếm 5 - 10% chi phí trong một dự án số hóa. Các khâu sau đó như xử lý, lưu trữ, phân cấp trong chia sẻ dữ liệu, tích hợp vào hệ thống sẵn có, lựa chọn phần mềm… mới là điều quan trọng. “Nếu các đơn vị không chọn đúng giải pháp đó thì mua máy quét cũng chỉ chứa ít file 3D để trình diễn nội bộ, sau đó lưu vào ổ cứng cất kho chờ hỏng ổ chứ không thể hỗ trợ người nghiên cứu, bảo tồn”, Quang cho biết.
Quang hiện đang lập trình và chạy thử nghiệm quy trình số hóa hoàn thiện các tư liệu di tích cổ, trong đó có văn bia. Công nghệ này có thể dùng để quét 3D cả một ngôi đình, và thuận tiện nếu quét các tư liệu Hán Nôm đưa lên mạng.
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện miền Trung của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, đánh giá đây là một cách quá tốt để lưu giữ và lan tỏa các tư liệu Hán Nôm. Công nghệ này không chỉ tốt với các văn bia mà còn tốt với một dạng thức lưu trữ tư liệu khác là mộc bản. Trong khi các bia với chất liệu đá còn xuống cấp vì nấm mốc, mưa nắng, thì việc bảo quản gỗ khó khăn hơn nhiều. “Áp dụng công nghệ quét 3D với cái gì cũng tốt, với mộc bản càng tốt. Đây là kỹ thuật hiện đại để lập, bổ sung hoàn chỉnh một cơ sở dữ liệu Hán Nôm”, ông Hằng nói. TS Trần Trọng Dương cũng hào hứng: “Cứ tưởng tượng 5 năm nữa, gõ máy hết được văn bia, rồi enter một cái ra tất cả văn bia cần tìm, thì có phải sướng không nào”.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng số hóa văn bia chính là việc mà nhà nước nên đầu tư một cách hệ thống. Từ đó, việc chia sẻ tư liệu di sản Hán Nôm sẽ được đẩy mạnh hơn. “Nói chung, không nên để Quang bỏ tiền, bỏ công làm một mình như vậy”, ông Thịnh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.