“Học một đường, làm một nẻo”
Hoàng vốn là du học sinh chương trình kỹ sư, thạc sĩ trong hệ thống tự động và công nghệ thông tin - cơ điện tử của Viện Công nghệ Grennoble (Pháp). Hoàng kể có nhiều người thắc mắc vì sao “học một đường, làm một nẻo”? Khi học một chuyên ngành không liên quan đến nông nghiệp, cũng như đang làm trong lĩnh vực điều khiển tự động lại chọn mô hình khởi nghiệp kinh doanh thiên về nông trang như thế?
Hoàng cười và lý giải: "Những tưởng mọi thứ có vẻ không liên quan đến nông nghiệp, nhưng thực tế lại rất có liên quan. Vì định hướng của tôi là khởi nghiệp nông nghiệp thông minh, dùng tự động hóa để áp dụng vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất và hiệu quả quản lý".
“Bơ ông Hoàng” được thu hoạch tại trang trại và đóng thùng chuyển đến nhà cung cấp |
Cũng theo Hoàng, đó là mục tiêu từ nhỏ của bản thân. "Vì tôi xuất thân trong gia đình nông dân, từ nhỏ đã quen với ruộng vườn, chứng kiến sự vất vả của ba mẹ và người thân khi phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời mà hiệu quả thu về không cao. Điều đó luôn nung nấu trong tôi ý định sau này phải học hành thật tốt, tìm ra phương pháp giúp ba mẹ và mọi người xung quanh làm nông một cách chủ động và đạt hiệu quả cao", Hoàng kể.
Khi hoàn thành chương trình kỹ sư tại Pháp (với học bổng từ chính phủ Pháp), chàng trai này đã trở về quê hương, bắt đầu công việc quản lý và điều hành nông trang 50 ha (nông trang này hiện nằm ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Trong đó 12 ha trồng bơ mà không cần quá nhiều nhân công kể từ năm 2016 đến nay với sản phẩm nổi tiếng là "Bơ ông Hoàng".
Ứng dụng công nghệ
Hoàng cho biết bơ được trồng theo phương pháp hữu cơ. Vì hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học nên việc chăm sóc khá khó khăn, cần phải chăm sóc một cách rất cẩn thận, theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây để có những phương án chăm sóc hiệu quả nhất.
Theo Hoàng, với giống bơ này, sau khi trồng có thể thu hoạch trái sau 3 năm. Có một điều thú vị là, tất cả diện tích bơ của Hoàng không trồng theo cách thông thường như bao đời nông dân hay làm, mà ứng dụng hoàn toàn công nghệ, thay thế sức người.
Cụ thể, Hoàng đang áp dụng nhật ký số nhằm có thể truy xuất nguồn gốc với quả bơ. Thông qua nhật ký số, người tiêu dùng có thể biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển đã được sử dụng để đưa đến cửa hàng, siêu thị… Hoàng áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp: tưới tiêu tự động sử dụng internet vạn vật (IoT), điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera giám sát toàn vườn, máy bay không người lái, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc...
Hiện tại, so với nhiều loại bơ trên thị trường, sản phẩm của Hoàng được nhiều khách lựa chọn, tin dùng. Hiện sản phẩm có mặt tại các siêu thị, cửa hàng lớn tại TP.HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, sản phẩm này được bán ở rất nhiều kênh khác nhau, như ở các siêu thị thực phẩm sạch: DalatFoodie, Green Food, Foodmap, Wefarmer, Nam An hay các siêu thị lớn như Mega Market, Co.op extra… Ngoài ra, bơ cũng đã được xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia.
Hoàng nói: "Vì bơ được trồng theo phương pháp hữu cơ nên tốt cho sức khỏe, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vị bơ thơm ngon, độ béo và dẻo vừa, bơ sẽ thỏa mãn các tín đồ thích ăn bơ trực tiếp mà không cần thêm đường hay sữa vì bản thân trái bơ đã có vị ngọt thanh, ngoài việc có thể ăn sinh tố, bơ có thể được dùng làm salad, hoặc kết hợp làm các món ăn khác vì độ dai của bơ tốt hơn so với các loại bơ khác... Nhờ những ưu điểm này mà mọi người ưa chuộng bơ ông Hoàng hơn".
Trung bình 1 năm, 1 cây bơ ông Hoàng với 7 - 8 năm tuổi có thể thu hoạch khoảng 300 kg. Giá bán ra thị trường với 95.000 đồng/kg. Tổng doanh thu đạt được của trang trại là 11 tỉ đồng, với lợi nhuận 8 tỉ đồng.
Đặng Dương Minh Hoàng (thứ 2, từ phải qua) bên các thiết bị tự động được áp dụng chăm sóc cho trang trại bơ |
Quang Bình |
Sở dĩ mô hình trang trại bơ của Hoàng có lợi nhuận cao là vì được địa phương quan tâm và hỗ trợ các chính sách về thuế để khuyến khích thanh niên nông thôn phát triển các cây trồng, vật nuôi làm giàu chính đáng. Ngoài ra, trang trại của Hoàng toàn dùng các loại phân bón hữu cơ vĩnh cửu tự làm từ các loại lá cây, phân chuồng tự ủ và sử dụng dung dịch rượu cộng với tỏi để xua đuổi vi sinh vật có hại.
Hơn nữa, vì sử dụng dây chuyền tự động nên trang trại chỉ cần 2 công nhân là có thể chăm sóc vườn bơ 12 ha, chủ yếu công việc đi chỉnh sửa van và ống nước.
Sản phẩm bơ sau khi thu hoạch bán trực tiếp với các hệ thống siêu thị, không qua trung gian…
Mang nông sản Việt Nam vươn xa
"Hiện tại, tôi muốn tập trung vào phát triển theo chiều sâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, mong muốn của tôi là kết hợp cùng với các nông hộ khác, cấp giống, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăm sóc để cùng tạo ra hệ sinh thái với chất lượng tốt và phương pháp chăm sóc tối ưu, giúp cho bà con cùng có thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống trước mắt, và có thể mang nông sản của Việt Nam vươn xa ra với thế giới", Hoàng chia sẻ.
Còn trong tương lai, Hoàng có định hướng sẽ xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác, ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu. "Tuy nhiên, để làm được điều đó, em cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kết nối thêm nhiều kênh khác nhau và chắc chắn, một ngày không xa em sẽ thực hiện ước mơ của mình", Hoàng tâm sự.
Chia sẻ với những ai đang có ý định khởi sự kinh doanh với bơ, Hoàng không ngần ngại nói: "Cây bơ có nguồn gốc từ rừng nên việc trồng loại cây này không khó. Cây bơ ít bệnh hơn so với các loại cây ăn trái khác, chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Tuy nhiên, cây bơ có trái hay không phụ thuộc lớn vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Vì vậy, mọi người cần nghiên cứu kỹ về điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để trồng loại bơ phù hợp. Tôi tin nếu các bạn chịu khó đầu tư và học hỏi, mô hình này sẽ giúp mang lại cuộc sống với chất lượng tốt hơn rất nhiều".
Anh Trần Quang Bình, Bí thư Huyện đoàn Bù Gia Mập, cho biết nông trại bơ của anh Hoàng là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh tại tỉnh Bình Phước. Mô hình sản xuất của anh Hoàng được cấp ủy, lãnh đạo địa phương đánh giá là một trong những mô hình hay, đạt hiệu quả cao. Qua đó cần quảng bá nhân rộng và giới thiệu cho thanh niên địa phương học tập từ đó tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, Hoàng đã chủ động kết nối các sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn Phước Long và Bù Gia Mập để cùng liên kết trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ cho thanh niên địa phương khởi nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ.
Mô hình trồng bơ của Hoàng đạt tiêu chuẩn về Vietgap, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng cao quý từ các bộ ngành. Gần đây nhất Hoàng đã nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2021 do T.Ư Đoàn trao tặng.
Vì sao gọi là “Bơ ông Hoàng” ?
Theo Hoàng, thương hiệu này cũng có một phần ý nghĩa từ di tích “Lầu Ông Hoàng” khá nổi tiếng ở tỉnh Bình Thuận. Với mong muốn thương hiệu được đi xa và nhiều người biết đến, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp thuần túy, mà còn phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái trong tương lai.
Bình luận (0)