Thu mình lại trong suốt 7 năm
Trong buổi liên hoan cuối năm lớp 5, anh Phạm Văn Kiên (35 tuổi), ngụ tại H.Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đột nhiên bị đau nhức ở một bên hông. Cơn đau mãnh liệt khiến anh bị choáng váng, mọi người phải đưa anh đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ cho biết anh Kiên bị bệnh liên quan đến xương khớp. Sau vài ngày điều trị, anh được xuất viện.
Tuy nhiên, những cơn đau nhức hông thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Từ một học sinh tích cực, sôi nổi trong các hoạt động, anh Kiên phải hạn chế vận động mạnh. Cứ vào dịp hè hàng năm, bố mẹ đưa anh đến điều trị tại các bệnh viện xa gần. Thương bố mẹ và thương cả chính mình, anh Kiên cố gắng học tập với mong muốn trở thành sinh viên của ngành kiến trúc.
Thế nhưng khi vừa học hết lớp 12, trong một trận sốt cao, anh Kiên phải nhập viện điều trị suốt 1 tháng. Hơn 1 năm kể từ ngày xuất viện, những cơn đau dồn dập kéo đến khiến cho lưng của anh bị gập xuống. "Sau lần đó, đôi chân của mình trở nên yếu ớt hơn. Cuộc sống bắt đầu gắn liền với đôi nạng gỗ cùng với sự buồn tủi, rụt rè, mặc cảm của bản thân", anh Kiên nhớ lại.
Trong những lần thăm khám kế tiếp, anh được bác sĩ kết luận bị dính khớp háng và cột sống. Ngoại trừ những lúc cùng bố mẹ đến bệnh viện, anh Kiên không ra khỏi nhà và trò chuyện cùng người lạ trong suốt 7 năm trời vì tự ti về cơ thể của mình.
Tìm lại nụ cười cho mình
Tình cờ trong lần đi chữa bệnh, tận mắt nhìn thấy mô hình nhà sàn của một anh bộ đội, anh Kiên lấy làm ấn tượng và tìm hiểu về các mô hình tương tự trên mạng xã hội.
Một số sản phẩm do anh Kiên làm
NVCC
Vào thời gian rảnh, anh mò mẫm làm mô hình ngôi nhà bằng tre để nguôi ngoai suy nghĩ bản thân là người khuyết tật. Sản phẩm đầu tay đó của anh được bạn bè dành nhiều lời khen ngợi và cũng là động lực để anh cố gắng, thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. "Khi nhận được những lời khen, động viên của mọi người, mình nhận ra vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước và bản thân vẫn sống có ích cho cuộc đời", anh Kiên chia sẻ.
Dần dần anh bén duyên với các sản phẩm handmade để tìm kiếm niềm vui, cũng nhờ đó mà anh có thêm nguồn thu nhập. Vào dịp tết Trung thu mỗi năm, anh Kiên thường làm những chiếc lồng đèn với hình thù ngộ nghĩnh. Hàng loạt chiếc đèn bằng len xinh xắn do tay anh làm ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều giáo viên mầm non trong và ngoài tỉnh cũng đã tìm đến nhờ anh Kiên làm giáo cụ trực quan.
Chị Nguyễn Thị Hải Hà (34 tuổi), giáo viên Trường mầm non Quang Trung (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), nhận xét: "Anh Kiên là người giàu nghị lực sống và là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. Anh ấy còn rất khéo tay, cẩn thận, tỉ mỉ trong các sản phẩm handmade. Mình thường đặt mua ở anh các sản phẩm phục vụ cho công việc dạy học, nó vừa bền vừa thẩm mỹ và an toàn cho trẻ nhỏ".
"Theo mình, khi đối diện với nghịch cảnh, không thể cứ trốn tránh mãi mà phải học cách chấp nhận và vượt qua nó. Được sinh ra đã là may mắn rồi, mình phải sống sao cho từng ngày trôi qua thật ý nghĩa để sau này không phải hối tiếc", anh Kiên bày tỏ.
Bình luận (0)