Làm nông theo hướng tuần hoàn
Sau khi tốt nghiệp tại một trường cao đẳng ở TP.HCM chuyên về ngành thiết kế đồ họa, Nguyễn được nhận vào làm ở một công ty với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. "Công việc này giúp tôi có đủ chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, vào năm 2021, phụ huynh sức khỏe không tốt, vườn bị bỏ bê nên mình phải dừng mọi thứ tại TP.HCM để về quê", Nguyễn kể.
Về quê, Nguyễn tập trung vào công việc trồng trọt, nuôi heo tại gia. Năm 2021, Nguyễn vô tình thấy trên mạng mô hình nuôi trùn quế đem lại thu nhập cao rồi bắt đầu học hỏi, làm theo.
"Nhà mình có nuôi heo rừng. Trong quá trình nuôi, phân heo rừng làm ảnh hưởng không ít đến môi trường. Nhiều lúc mình suy nghĩ phải làm thế nào để giải quyết được vấn đề này nhưng lại không tốn quá nhiều sức, chi phí", anh cho hay.
"Mình vô tình biết rằng trùn quế hay ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Nhờ đó, trùn quế giúp giảm ô nhiễm môi trường do các loại phân chuồng như phân bò, heo gây ra. Mặt khác, phân của trùn quế là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng. Còn trùn quế làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản rất tốt. Do đó, nuôi trùn quế theo hướng tuần hoàn không rác thải sẽ giảm nhiều thứ như chi phí đầu vào, tránh ô nhiễm môi trường", Nguyễn nói thêm.
Thế là, Hữu Nguyễn tận dụng 400 m2 đất nhà để xây dựng bể nuôi trùn quế, làm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. "Quy trình nuôi trùn quế không cần kỹ thuật phức tạp nhưng phải chú ý đến nguồn thức ăn đầy đủ và phân phối độ ẩm vừa phải...", anh cho biết.
"Để trùn quế sinh trưởng tốt, mình xây dựng hệ thống bể xi măng dài khoảng 20 m, rộng 2 m và cao gần 50 cm. Bên trên và xung quanh dùng lưới bao phủ để che nắng, mưa và tránh gián, chuột, dế dũi phá hoại cũng như lắp hệ thống tưới nước cho các bể. Từ đó tạo được độ ẩm luôn duy trì ở mức khoảng 70 - 80%, nhiệt độ 30 - 35 độ C", Nguyễn cho hay.
"Phân chuồng được đưa vào các bể nuôi trùn quế theo dạng luống. Mình còn lót lưới bên dưới trước khi cho phân chuồng vào bể, như thế sẽ tạo được độ ẩm, thoát nước tốt nhưng không bị ngập úng. Và không quên tưới nước mỗi ngày để làm ẩm mặt luống...", anh cho biết.
Về nguồn thức ăn cho trùn quế, theo Nguyễn nếu là phân bò sữa thì cần xử lý 10 - 15 ngày là tốt nhất. Phân heo trắng thì cần xử lý vi sinh hơn 1 tháng. Còn nếu là phân của heo rừng đang nuôi thì có thể cho trùn quế ăn trực tiếp. "Vì trong thức ăn của gia súc này đã được xử lý bằng vi sinh. Sau khoảng 3 - 4 tháng, trùn quế sẽ tiêu hóa hết khối lượng phân bỏ vào và thải ra sản phẩm rất tốt cho cây trồng…", Nguyễn nói.
Giảm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao
Hiện tại, Hữu Nguyễn cung cấp sản phẩm phân trùn quế đến các trang trại sản xuất nông sản... Thời gian tiếp theo, anh dự tính sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để sản xuất phân bón vi sinh cung cấp cho người nông dân.
"Thời gian đầu mình gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra vì người dân ít ai biết đến tác dụng của trùn quế. Mình phải học thêm cách quảng bá, giới thiệu trùn quế trên mạng xã hội. Tự viết bài, quay video giải thích công dụng của phân trùn quế để dễ dàng tiếp cận với khách. Trung bình mỗi tháng mình cung cấp gần 20 tấn phân trùn quế với giá là 3,5 triệu đồng/tấn, thu gần 70 triệu đồng. Hiện tại mình còn đang làm thủ tục thành lập công ty riêng, cho ra nhiều sản phẩm từ phân trùn quế như: viên nén, dạng chất dịch…", Nguyễn nói.
Bên cạnh đó, Hữu Nguyễn còn có thêm nguồn thu nhập từ những cây trồng tại gia như: cà phê, sầu riêng, chuối. "Mình cũng sử dụng phân trùn quế để bón cho cây trồng. Riêng cây chuối, ngoài lấy quả thì mình còn dùng phần thân để làm thức ăn cho gia súc. Chính vì vậy, vòng khép kín tuần hoàn trong mô hình nông nghiệp của mình đã tận dụng được mọi đầu vào, giảm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao", Hữu Nguyễn kể.
"Bạn trẻ khởi đầu nuôi trùn quế thì không nên nghĩ đến lợi ích. Trước tiên, cần giảm tối đa chi phí đầu vào, tận dụng phế phẩm nông nghiệp từ gia đình, hàng xóm để làm thức ăn cho trùn quế. Như thế vừa tiết kiệm lại có thời gian học được kinh nghiệm…", Nguyễn nói thêm.
Bà Hồ Thị Bích Linh, Trưởng ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao mô hình nuôi trùn quế của Nguyễn. "Nguyễn siêng năng, chịu khó học hỏi những điều mới mẻ. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng, Nguyễn cũng thực hiện thành công mô hình nuôi trùn quế, tạo ra kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tiếp theo, Nguyễn sẽ liên kết với các hộ dân để thành lập hợp tác xã, đồng thời hướng dẫn cách nuôi trùn quế, tạo thêm thu nhập cho bà con địa phương", bà Hồ Thị Bích Linh nói.
Bình luận (0)