Ngày 7.12, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh khóa 10, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong quá trình giải quyết các loại án dân sự, đơn vị này phát hiện tình trạng tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặc biệt là “hợp đồng đặt cọc”.
Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cảnh báo người dân về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất |
GIANG PHƯƠNG |
Theo bà Vân, trong năm 2022, các tranh chấp dân sự có số lượng án nhiều, phức tạp là tranh chấp về hợp đồng dân sự với 2.131 vụ việc, trong đó 1.134 vụ có liên quan đến chuyển nhượng đất đai.
Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh cảnh báo, có tình trạng người dân không hiểu rõ các quy định pháp luật trong chuyển nhượng đất đai đã dính “hợp đồng đặt cọc”. Qua các điều khoản trong hợp đồng đặt cọc này, người bán đất nếu dính phải việc chuyển nhượng đất không thành có nguy cơ dẫn đến mất đất.
“Hợp đồng đặt cọc hiện nay theo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), thỏa thuận đặt cọc có thể bồi thường gấp 10 lần cọc, 15 lần cọc tùy theo thỏa thuận. Để chuyển nhượng được đảm bảo, "cò" đất hoặc người mua đặt cọc với số tiền rất lớn. Tuy nhiên, một số người dân không hiểu biết việc phải bồi thường gấp 10 -15 lần cọc nên khi vi phạm trong chuyển nhượng có thể mất đất", bà Vân khuyến cáo.
Bà Vân dẫn chứng một số người dân không hiểu biết pháp luật đã chuyển nhượng một mảnh đất với giá 5 tỉ đồng. Người mua đặt cọc 2 tỉ đồng và thể hiện trên hợp đồng nếu vi phạm sẽ bồi thường hợp đồng gấp 10 lần. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng không thành do người bán không tuân thủ thỏa thuận thì dù có bán mảnh đất cũng không đủ trả tiền cọc theo thỏa thuận bồi thường.
Do đó, bà Vân cũng đề nghị đại biểu kỳ họp HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan tuyên truyền để người dân hiểu biết rõ vấn đề đặt cọc, nhất là hợp đồng đặt cọc đất có thể khiến người dân đứng trước nguy cơ mất đất.
Ngoài các vụ án dân sự nổi lên tình trạng “hợp đồng đặt cọc” chuyển nhượng đất cần lưu ý, trong năm 2022, TAND tỉnh Tây Ninh ghi nhận các tội hình sự có số lượng án nhiều như tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy (254 vụ với 367 bị cáo); tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc (178 vụ với 1.369 bị cáo); tội trộm cắp tài sản, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản (168 vụ với 269 bị cáo)… Ngoài ra, tại Tây Ninh cũng nổi lên tình trạng cho vay lãi nặng rồi tạo áp lực đòi nợ kiểu “xã hội đen”, tội xâm hại tình dục trẻ em nhất là liên quan đến người phụ thuộc, đặc biệt cha dượng xâm hại tình dục con riêng...
Bình luận (0)