Ngày 27.12, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2024 của TAND hai cấp tại TP.HCM, với sự tham dự của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu...
Tại hội nghị, theo báo cáo của Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong, trong năm 2023, TAND TP.HCM hai cấp đã giải quyết được trên 58.000 vụ việc, đạt 85,96%; tổng tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan là 0,15%. Trong đó, đáng chú ý là TAND TP.HCM đã giải quyết 72/73 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Án phá sản là loại án khó nhất hiện nay
Từ báo cáo của TAND TP.HCM, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, với tính chất các loại án, vụ việc phức tạp nhưng TAND TP.HCM đã đạt được những thành quả hết sức nỗ lực.
Về công tác giải quyết các vụ án, Chánh án TAND tối cao biểu dương TAND hai cấp TP.HCM vì đây là địa phương duy nhất trên cả nước giải quyết được rất nhiều các vụ án phá sản - được xem là loại án khó của toàn quốc hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Quốc hội đưa ra yêu cầu tòa án phải có tòa chuyên biệt cho loại án phá sản, và thời gian tới, nếu luật tổ chức tòa án thông qua và có tòa chuyên biệt cho án phá sản, thì các vụ án phá sản tại TP.HCM đã được giải quyết sẽ là kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta ngoài việc quan tâm về môi trường đầu tư thì còn đặc biệt quan tâm đến luật Phá sản và thực thi luật Phá sản của nước ta. Bởi vì để đảm bảo rằng khi có rủi ro thì tài sản người ta không bị mất, vì vậy việc xây dựng tòa chuyên biệt phá sản và các luật liên quan rất quan trọng, bao gồm việc xét xử”, ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ thêm.
Cần đào tạo thêm thẩm phán xét xử án tham nhũng lớn
Bên cạnh đó, Chánh án TAND tối cao đánh giá cao việc TAND TP.HCM thực hiện tốt công tác công khai bản án và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tòa án.
“Công khai bản án - TP.HCM làm rất tốt. Đây là cách nâng cao trách nhiệm của thẩm phán đối với bản án của mình. Buộc các thẩm phán chỉnh chu, nghiêm túc trong phán quyết của mình, để toàn dân giám sát bản án của mình. Vì vậy, TAND TP.HCM cần tiếp tục phát huy và nhắc nhở các thẩm phán chưa thực hiện công khai bản án của mình”, ông Bình yêu cầu.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh, hiện chỉ có Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương được ủy quyền xét xử các vụ án tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết. Các vụ án tham nhũng lớn được giải quyết tại TP.HCM đã được xét xử nghiêm túc, đúng người, đúng tội, đúng thời hạn, nhân văn, kịp thời góp phần thu hồi tài sản tham nhũng.
Song Chánh án TAND tối cao trăn trở, đối với thẩm phán xét xử những vụ án này hiện nay, TP.HCM chỉ tập trung một vài người, vì vậy TAND TP.HCM cần đào tạo thêm một số thẩm phán khác để đáp ứng được việc xét xử các loại án này.
Về công tác nhiệm vụ trong năm 2024, ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TAND hai cấp TAND TP.HCM thực hiện nghiêm túc 11 nhiệm vụ được nêu trong chỉ thị của tòa án. Trong đó căn cốt vẫn là nâng cao chất lượng xét xử, bởi đây là thước đo chính để đánh giá năng lực của thẩm phán và đưa nhân dân đặt niềm tin vào tòa án.
Đồng thời, ông Bình nhấn mạnh, tòa án là cơ quan nhiều cám dỗ và áp lực, vì vậy, cán bộ tòa án, đặc biệt thẩm phán phải đề cao kỷ cương, kỷ luật, giữ gìn đạo đức để tránh sa ngã.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM gửi gắm, đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức trong ngành tòa án cần tiếp tục phát huy về kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt mỗi cá nhân thẩm phán cần xây dựng, tạo ra giá trị "thương hiệu", uy tín riêng cho mình để khi nhắc đến tên thẩm phán, sẽ tạo được niềm tin cho nhân dân.
Cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra yêu cầu TAND TP.HCM tiếp tục quyết tâm, phát huy chuyển đổi số trong ngành tòa án; tối ưu việc hòa giải thành trong các vụ việc, vụ án.
Bình luận (0)