Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời 'Hồ Duy Hải có oan hay không'

15/06/2020 11:34 GMT+7

Sau rất nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài ngành tòa án về vụ án Hồ Duy Hải suốt 2 ngày thảo luận vừa qua, đích thân Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phải lên tiếng sáng 15.6.

"Hồ Duy Hải có tội không, vụ án có oan sai hay không"?

Theo đó, tại phiên Quốc hội về thảo luận kinh tế - xã hội sáng 15.6, Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cũng là chủ tọa phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đã tập trung trả lời câu hỏi: Hồ Duy Hải có tội không, vụ án có oan sai hay không?

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời Hồ Duy Hải có oan hay không

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là vụ án xảy ra từ năm 2008, trải qua tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành tư pháp thẩm định và năm 2015, đoàn giám sát của Quốc hội về án oan sai cũng đã xem xét vụ này.
Vụ án cũng đã qua các cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định về việc ân giảm hình phạt.
"Câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không? Tôi sẽ tập trung trả lời Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không. Đây là câu hỏi lớn mà đại biểu quan tâm, dư luận quan tâm", Chánh án nói.
Theo tóm tắt vụ án của Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi (H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) và tối 13.1.2008 có đến đấy chơi.
Lúc đó, nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân đang trực, còn nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng đang nghỉ, nên Hải vào nói chuyện với chị Hồng. Quá trình nói chuyện, nam nữ chưa vợ, chưa chồng, Hải có tán tỉnh, sờ soạng và có ý định quan hệ tình dục với chị Hồng, nên đã đưa tiền cho chị Vân ra ngoài mua trái cây.
Ở nhà, Hải dẫn chị Hồng vào buồng ngủ, vật chị Hồng ra. Chị Hồng phản ứng, đạp vào bụng Hải, bỏ chạy và la làng lên. Hải sợ bị lộ, đuổi theo. Chị Hồng vấp ngã gần 1 cái thớt, nên Hải đã dùng thớt đập vào đầu cô gái, sau đó cắt cổ nạn nhân. Chị Vân đi mua trái cây về, thấy bạn bị giết, nên cũng bị Hải giết luôn theo cách tương tự là cắt cổ.
Vậy, "chứng cứ để chứng minh Hải phạm tội là gì?", Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi và trả lời:
Thứ nhất, là cơ quan điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường, thì Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại đó - việc mà nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được.
"Có 2 điểm lưu ý. Đầu tiên là những đồ vật trong phòng ngủ của cô Hồng, Hải đã khai đúng. Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng có thể biết, nhưng trong phòng ngủ mà không có mặt ở hiện trường thì không thể biết", theo Chánh án. "Tiếp đó là vị trí những đồ vật rời, ví dụ con gấu, tờ báo, cốc nước, túi trái cây… có thể hôm nay để chỗ này, ngày mai để chỗ khác. Nhưng tất cả các đồ vật rời ấy, Hải đã mô tả đúng vị trí khi xảy ra vụ án", Chánh án nói rõ thêm.
Chứng cứ thứ 2 là về diễn biến hành vi. Hải khai, quá trình sờ soạng chị Hồng không nói gì, nhưng khi bị đè ra thì chị Hồng phản ứng, đạp vào bụng Hải.
Theo hiện trường để lại, áo ngực của chị Hồng bị xộc xệch, nằm ở phần trên ngực. Theo Chánh án, "phản ứng bình thường của người phụ nữ khi ngồi dậy là phải sửa cái này, nhưng do tức thời (bỏ chạy), nên cô gái không kịp sửa".
Phù hợp thứ hai, theo Chánh án, là vết thương trên đỉnh đầu chị Hồng được pháp y khẳng định là "do tác động của vật cứng mặt phẳng", phù hợp với lời khai của Hải rằng hung khí gây án là thớt và bản ảnh hiện trường có cái thớt dính máu nằm bên cạnh đầu của chị Hồng.
Phù hợp thứ 3 là giám định pháp y kết luận trong âm đạo của cô Hồng có dịch, và cơ chế hình thành dịch, theo bác sĩ pháp y, là quá trình kích dục, có sự đụng chạm vào vùng nhạy cảm của cơ thể.

Chánh án nói gì về con dao, cái thớt "mua ở chợ"?

Về tài sản cướp được, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hải khai là sau khi giết 2 cô gái, có lấy của bưu điện một số tiền và một số simcard, lấy của 2 nạn nhân một số nữ trang, dây chuyền, vòng tay, nhẫn.
Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết được Hải lấy cái gì vì không biết các cô gái có gì, nhưng Khi bắt được Hải, thì Hải khai ra lấy của cô này cái gì, lấy của cô kia cái gì. Cơ quan điều tra đã hỏi người thân, gia đình, cha mẹ các cô gái, thì người ta mô tả đúng đồ vật 2 cô gái này có. Bưu điện cũng nói rõ bị mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu simcard.
"Có một chi tiết rất đáng lưu ý, rất có giá trị chứng minh, là Hải khai lấy của cô Hồng 1 dây chuyền có mặt dây, của cô Vân không có mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường thì mặt dây chuyền của cô Vân có ở hiện trường, nằm trong ngực áo của cô Vân", Chánh án nêu thêm.
Cũng theo Chánh án, cơ quan điều tra đã yêu cầu Hải khai tiêu thụ số tài sản này ở đâu, Hải đã vẽ chính xác địa chỉ nơi bán vàng, nơi bán điện thoại và có những chi tiết phù hợp rất ngẫu nhiên, như Hải khai lúc đến bán, ở quầy này có người phụ nữ lớn tuổi hơn bán, ở quầy này có người nhỏ tuổi hơn bán.
Đặc biệt, về giá cả, cơ quan điều tra đã đi xác minh, người ta không thể nhớ được mua của ai, nhưng người ta nhớ giá ở thời điểm này, cái điện thoại này có giá 200.000 đồng, phù hợp với lời khai của Hải. Người ta khai phương thức thanh toán và giá cả của đồ trang sức mua phù hợp với phương thức thanh toán mà Hải đã khai.
"Trong quá trình đi bán vàng, do sợ bị theo dõi, nên Hải không nhìn vào người mua vàng, mà đi ra ngoài đường xem có ai theo dõi không, theo lời khai của Hải. Người mua vàng khai, thông thường người ta tính số tiền trên máy tính, chìa ra cho khách xem, nếu đồng ý thì mua bán, nhưng do Hải không nhìn vào máy tính nên họ phải viết ra giấy. Hải khai có tờ giấy đó và khi ra khỏi cửa hàng thì Hải đã vứt đi", ông Bình cho biết.
Giải thích thêm về hung khí, việc "mua dao, mua thớt ở chợ để làm chứng cứ", Chánh án cho biết: "Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Chỉ khi bắt được Hải, Hải khai ra việc dùng thớt đập vào đầu nạn nhân, thì người ta mới biết. Khi đó, thớt đã bị dọn đi".
"Về con dao, Hải khai ở bên tường bưu điện có cái bảng và dắt dao vào bảng đó. Không ai tìm thấy dao cả, chỉ có Hải mới biết vị trí cái dao. Sau khi khám nghiệm hiện trường, có 3 anh dân phòng vào dọn phòng đó, phun nước, dỡ bảng ra thì có dao rơi xuống, nhưng người ta sơ xuất vứt dao đi. Cơ quan điều tra đi tìm dao đó không được, nên cho 3 anh dân phòng mô tả, đi mua dao về".
"Dư luận nói rằng mua dao ngoài chợ về để thay hung khí, nhưng trong hồ sơ vụ án, không có cái nào mua dao là thay hung khí cả. Mua dao, thớt, vật tương tự về để Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng là được sử dụng làm hung khí hay không. Khi để một loạt dao, Hải nhận diện đúng con dao dùng để gây án, dù khi khai thì lời khai không thống nhất", Chánh án cho biết thêm.
Do thời gian có hạn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết còn rất nhiều chứng cứ khác mà nếu đại biểu quan tâm, TAND tối cao sẵn sàng phục vụ trao đổi, thông tin.
Chánh án cũng nói thêm việc Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, mà lời khai nhận tội đầu tiên là do Hải tự viết ra, chứ không phải là bản hỏi.
Ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội, như khi nhận kết luận điều tra, cáo trạng. Sau sơ thẩm, phúc thẩm, khi gửi đơn cho Chủ tịch nước, Hải đều không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải.

ĐBQH Trương Văn Nọ (Long An) nói về vụ án Hồ Duy Hải tại quốc hội vào sáng 15.6.2020

Sau khi Chánh án giải trình, đại biểu Trương Văn Nọ (đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cũng lên tiếng về  vụ án.
Theo đại biểu, sau phiên giám đốc thẩm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chưa nhận được phản ánh, ý kiến nào của nhân dân, cử tri gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An cũng đã tổ chức tiếp xúc cử tri trên 15 huyện, thị, thành phố toàn tỉnh Long An. Đến thời điểm này, không có một ý kiến nào của bà con cử tri liên quan đến vụ án này.
"Tôi xin báo cáo thêm để đại biểu Quốc hội nắm tình hình ý kiến của bà con cử tri trên địa bàn tỉnh Long An", đại biểu Nọ cho biết (Lê Hiệp ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.