Chạnh lòng thương nhạc phim ta

21/05/2019 06:10 GMT+7

Nhiều đạo diễn và nhạc sĩ viết nhạc phim nhìn nhận, hầu như phần âm nhạc chưa được quan tâm một cách nghiêm túc, chưa đầu tư kinh phí tương xứng với vai trò của nó trong một tác phẩm điện ảnh VN.

Những buổi hòa nhạc chủ đề Đêm nhạc phim của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) tổ chức gần đây đều “cháy” vé. Trong các buổi hòa nhạc này, những ca khúc (OST) hoặc nhạc nền (film score) trong phim từ kinh điển đến hoạt hình của Walt Disney hay bom tấn phòng vé: Bố già, Người đẹp và quái vật, Bóng ma trong nhà hát, Nữ hoàng băng giá, Nhiệm vụ bất khả thi, Cướp biển vùng Caribe... được trình diễn một cách điêu luyện bởi dàn nhạc và giọng ca hàng đầu của nhà hát...
Ở những chương trình ấy, khán giả vừa rung động bởi vẻ đẹp tinh tế và sự công phu của nhạc phim ngoại, vừa... chạnh lòng khi hiếm thấy trình diễn tác phẩm nhạc phim Việt!

Cảm nhận phim hiệu quả hơn nhờ âm nhạc

Nhà sản xuất phim và không ít đạo diễn cũng chú trọng nhiều hơn đến việc tìm nhạc sĩ viết một vài ca khúc đinh cho bộ phim, còn nhạc nền thì... đúng là chỉ làm nền thôi
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh
Theo nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh (viết nhạc phim Đường đua, Đảo của dân ngụ cư...), vai trò của âm nhạc rất quan trọng trong việc kể chuyện của một bộ phim. “Điều làm cho nhạc phim khác hơn so với những thể loại âm nhạc, đó chính là nhạc phim hướng đến việc tạo cảm xúc, trạng thái cho người xem phim; giúp người xem có thể cảm nhận, đồng cảm với diễn biến phim nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ca khúc và nhạc nền của phim len lỏi vào từng sợi dây cảm xúc của người xem, mà người ta không hề hay biết là cảm xúc của mình đang được âm nhạc dẫn dắt”, anh nói.
Những ngày qua, phim Ước hẹn mùa thu đang gây vương vấn cho không ít người xem với ca khúc chủ đề Ở nơi nào đó (Đức Trí sáng tác). Tỉnh dậy sau 15 năm hôn mê, Duy (Quốc Anh) trở về căn phòng năm xưa trong ngôi nhà đầy ắp ký ức của mình cùng cô bạn học thuở biết bao hẹn ước, trong hoang mang cảm xúc nhớ - quên và lẫn lộn xưa - nay... Đúng lúc ấy, giai điệu nhẹ nhàng thiết tha:“Ở nơi nào đó, không biết em có nhớ đến tôi không? Giờ đây căn phòng ấy, trở nên trống vắng đến vô cùng” vang lên. Âm nhạc lúc này quả thật vừa diễn đạt đầy đủ hơn tâm trạng của Duy, và cũng dự báo cho người xem một viễn cảnh chẳng êm đềm như Duy nghĩ...
Hay ở phim Người bất tử, ca khúc chính Ngày chưa giông bão (Phan Mạnh Quỳnh sáng tác, với tiếng hát Bùi Lan Hương) đã nói hộ nỗi lòng của cả nhân vật chính là Hùng (Quách Ngọc Ngoan) và người con gái khát khao một tình yêu chân thành cùng anh, khát khao chốn bình yên sau những giông bão cuộc đời...
Ca sĩ Phạm Khánh Ngọc biểu diễn The winner takes it all (phim Mamma Mia!) trong đêm nhạc phim cuối tháng 4 Ảnh: Nguyễn Tân

Kinh phí thấp nên nhạc... chắp vá

Đến nay, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM đã trình diễn các trích đoạn nhạc Thần tài (phim Lấy chồng người ta do Đức Trí sáng tác); Làn gió nhẹ bay (phim Đường đua) và Tổ khúc Hồi tưởng được sáng tác và chuyển soạn lại từ toàn bộ nhạc nền của phim Đảo của dân ngụ cư (Nguyễn Mạnh Duy Linh viết) cho dàn nhạc giao hưởng trong một số chương trình của mình
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng dù người làm phim đều thấy được vai trò của âm nhạc trong phim, nhưng hiện nay chi phí âm nhạc cho một bộ phim VN chưa cao, thời gian dành cho nó cũng chưa nhiều, và việc thu âm nhạc phim với dàn nhạc là rất hiếm.
Nhạc sĩ Đức Trí cho biết ngoại trừ đạo diễn Lưu Huỳnh thêm kinh phí để nhạc phim được dàn nhạc thể hiện và thu âm, còn các đạo diễn khác thường cùng nhạc sĩ cố gắng “liệu cơm gắp mắm”.
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh lý giải rằng nền âm nhạc nước ta vẫn tập trung nhiều vào mảng ca khúc, từ người sáng tác cho đến biểu diễn cũng như truyền thông. Do đó, “hầu hết công chúng vẫn quen với việc thưởng thức ca khúc, hơn là lắng nghe và tìm hiểu các tác phẩm dành cho khí nhạc. Vì thế nhà sản xuất phim và không ít đạo diễn cũng chú trọng nhiều hơn đến việc tìm nhạc sĩ viết một vài ca khúc đinh cho bộ phim, còn nhạc nền thì... đúng là chỉ làm nền thôi”.
Vì chưa nhìn nhận đúng giá trị của nhạc phim, nên chi phí đầu tư cho nhạc phim thường thấp. Các nhạc sĩ làm nhạc phim thường sáng tác trực tiếp qua những phần mềm điện tử với âm thanh nhạc cụ được sử dụng từ các thư viện âm thanh có sẵn. Những bộ phim kinh phí thấp thường không mời nhạc sĩ viết nhạc, mà chỉ cần những... kỹ sư âm thanh biên tập lại những đoạn nhạc nền có sẵn (các dàn nhạc trên thế giới thu âm) trong thư viện cho rẻ và tiện. Và một đạo diễn cho biết đã rất “chạnh lòng thương nhạc phim ta”, khi nghe nhận xét của đồng nghiệp nước ngoài, rằng VN làm nhiều phim hay đấy, nhưng sao hay dùng nhạc từ thư viện thế, nghe cứ quen quen!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.