Rõ ràng là quá bất thường, nhất là đối với TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Người dân lo lắng hoang mang trước những bất thường về thời tiết, thiên tai, nay lại thêm tình hình ô nhiễm môi trường từ nước đến không khí. Nhưng thông tin thì “nhỏ giọt” và chủ yếu là qua báo đài nhằm giải đáp thắc mắc của người dân. Trong khi đó việc thông tin một cách hệ thống và nhất quán về chất lượng cuộc sống, trong đó có môi trường là hết sức cần thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và đô thị hóa ngày càng nghiêm trọng.
Chỉ nói riêng ảnh hưởng của sương mù thì tác động dễ thấy nhất là đến các loại hình giao thông. Nhưng sương mù do ô nhiễm còn tác động đến đời sống con người, đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi dễ bị hen suyễn, các bệnh về đường hô hấp, những người lớn làm việc ngoài trời càng có nguy cơ mắc bệnh khói bụi cao hơn…
Tình trạng chất lượng không khí có thể đo được dễ dàng qua hệ thống trạm quan trắc khí tượng bề mặt, nhưng thực tế mạng lưới này còn rất thưa thớt đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM (TP.HCM chỉ có trạm Nhà Bè). Sở Tài Nguyên - Môi trường cũng có mạng lưới quan trắc môi trường, một số cơ quan nước ngoài, trường học quốc tế cũng có thể có thiết bị đo chỉ số chất lượng không khí (AQI). Vấn đề là cần có sự phối hợp liên kết với nhau về dữ liệu quan trắc nhanh chóng, đưa vào mạng thông tin của TP nhằm liên tục cập nhật chỉ số chất lượng không khí.
Có thể học hỏi ngay các cơ quan nước ngoài như cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội và TP.HCM, các trường học quốc tế đều có quan trắc và thông báo, cảnh báo về chất lượng không khí, mức độ ô nhiễm, đưa ra những lời khuyên rất hữu ích cho nhân viên, học sinh, người dân ở các vùng lân cận biết. Việc làm này cần nhân rộng ra các cơ quan chính quyền, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục, cần có hành động kịp thời, cảnh báo cho người dân trên địa bàn TP, từng khu vực biết rõ.
Các TP lớn không chỉ cần tăng thêm lưới trạm đo nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, mà còn cần cung cấp các báo cáo công khai trên những bảng điện tử ở các tuyến đường chính, các phương tiện truyền thông như báo đài, đài truyền hình địa phương, qua tin nhắn… khi khói bụi đạt đến mức không an toàn và có những hướng dẫn cụ thể, thậm chí bằng hình ảnh trực quan sinh động.
Việc này để người dân có thể biết và trở thành thói quen khi ra đường là theo dõi thông tin về mưa nắng, gió bão và ô nhiễm không khí nơi mình đang sống, làm việc, nhằm có biện pháp phòng ngừa bệnh và thích ứng nhanh chóng, hiệu quả.
Bình luận (0)