Hội đồng thẩm định đã làm gì?

22/10/2020 04:54 GMT+7

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới , dư luận xã hội đặt vấn đề về chất lượng của sách giáo khoa qua vụ sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều.

Sau khi yêu cầu chỉnh sửa những chi tiết không phù hợp trong bộ sách Cánh Diều, mới đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tác giả rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 để chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý nếu có.
Động thái này đặt ra vấn đề về vai trò thật sự của hội đồng thẩm định SGK trong thời gian qua. Quy trình thẩm định SGK do Bộ GD-ĐT ban hành đã quy định một cách đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân biên soạn cũng như vai trò to lớn của hội đồng thẩm định. Vậy thì hội đồng này đã làm gì, mà để xảy ra sai sót đến thế?!
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã mở ra một cách nhìn mới về việc biên soạn SGK: một chương trình nhiều SGK. Các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện biên soạn sách đều có thể đăng ký viết. Nhà xuất bản tổ chức biên soạn SGK cũng là người đề nghị với Bộ GD-ĐT thẩm định. Nếu sách đáp ứng các yêu cầu về biên soạn, thì được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và hội đồng này đề nghị Bộ trưởng phê duyệt. Rồi thì Thông tư 33 cũng quy định “Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách tổ chức thực nghiệm”. Theo tinh thần này, mọi SGK phải được tổ chức thực nghiệm trước khi tiến hành bước thẩm định.
Để tránh những sai sót không đáng có trong quá trình triển khai biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK bậc phổ thông, vai trò của hội đồng thẩm định là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, tham gia hội đồng thẩm định ngoài nhà giáo đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có kinh nghiệm trong việc giảng dạy, còn có các chuyên gia về giáo dục, các nhà khoa học. Với những quy định này thì rõ ràng hội đồng thẩm định có trách nhiệm rất lớn “canh cửa”.
Nhưng hội đồng này với thành phần đã được lựa chọn rất chặt chẽ sao lại để xảy ra những sai sót, chi tiết không phù hợp mà đến khi đưa sách vào thực tế phụ huynh nhận ra và phản ảnh? Hội đồng thẩm định thế nào để đến nay Bộ GD-ĐT phải yêu cầu các nhà xuất bản, tác giả của tất cả các bộ SGK phải rà soát lại? Cũng phải nói một cách rạch ròi, là để sai sót đến mức này cơ quan chức năng cần xử lý trách nhiệm đối với hội đồng này một cách nghiêm minh.
Một vấn đề cũng cần đặt ra ở đây là sách được hội đồng thẩm định thông qua đã được tổ chức thực nghiệm như thế nào? Thông tư 33 không quy định rõ về việc thử nghiệm là dạy toàn bộ các bài học trong SGK hay chỉ là lựa chọn một số bài học, cũng không ghi rõ tổ chức trên các địa bàn nào trong cả nước…
Hiện nay, các hội đồng đang chuẩn bị cho việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 để kịp năm học tới. Công việc thực nghiệm không dễ dàng nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ qua quy trình này để tránh những sai sót không cần thiết như đã có trong SGK lớp 1 tiếng Việt bộ Cánh diều vừa qua mà dư luận xã hội đã lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.