Nhưng dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thì dường như lại ít được quan tâm hơn ở Quốc hội (có thể vì các đại biểu Quốc hội phải quan tâm đến nhiều vấn đề, dự luật nóng hơn khác).
Các phiên thảo luận về dự thảo luật Bảo vệ Môi trường được mô tả là “có sự nhất trí cao” do sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ ban soạn thảo.
Đến hôm qua, nhóm đại diện 4 mạng lưới, liên minh và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam đứng tên nhiều chuyên gia tâm huyết về môi trường đồng công bố kiến nghị gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để “đề nghị xem xét chưa thông qua Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi”, nhiều người mới vỡ lẽ ra rằng dường như việc lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo luật quy định bởi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có gì đó trục trặc.
Theo kiến nghị này, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là những quy định liên quan tới sự tham gia của cộng đồng, công khai thông tin mà TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, gọi là “thụt lùi so với luật 2014”.
“Công khai” mà ông Tùng muốn nói tới là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Điều 131 luật hiện hành quy định cơ quan quản lý phải công khai báo cáo ĐTM (dù việc công khai trên thực tế cũng khá hạn chế), nhưng dự thảo luật trình Quốc hội đã bỏ điều này (nói đúng hơn là giao cho doanh nghiệp có trách nhiệm công khai, mà bỏ ngỏ thời hạn phải công khai).
Giao cho doanh nghiệp (lại không quy định thời hạn) công khai ĐTM có nghĩa rằng tính mạng, sức khỏe của người dân sinh sống gần những công trình, dự án có tác động lớn về môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước đứng ngoài tất cả những điều đó. Việc bắt tay che giấu thông tin bất lợi cho môi trường có phải sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn không? Thủ tướng nói: không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Giờ không quy định công khai ĐTM, ai giám sát việc đánh đổi đó?
Các chuyên gia cũng chỉ ra khá nhiều “điểm mờ” với nghi vấn “cài cắm” lợi ích nhóm, lạc hậu với những cam kết của Việt Nam với quốc tế, với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt là “không giải quyết được các vấn đề môi trường đang đặt ra trong thực tiễn”.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc luật chưa ra đã phải sửa, những điều luật chết yểu do rời xa thực tế.
Tham vấn và lắng nghe đầy đủ, bảo vệ một môi trường làm luật minh bạch, khách quan là trách nhiệm và lương tâm của các đại biểu Quốc hội. Đề nghị của các chuyên gia tâm huyết, rằng cần “nghĩ kỹ hơn” trước khi thông qua luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thiết nghĩ cũng là nhu cầu chính đáng, đặc biệt khi nó chính là cuộc sống của gần 100 triệu dân.
Bình luận (0)