>> Trần Hiếu

Krông Pa là huyện xa nhất Gia Lai với khoảng cách 140 km tính từ trung tâm tỉnh lỵ. Trong khi TP.Pleiku khí hậu luôn mát mẻ thì Krông Pa được ví là “chảo lửa” bởi quá nóng, nhiệt độ nhiều khi lên đến hơn 40 độ C. Nhưng vùng đất nghèo này lại thuận lợi với các nhà đầu tư điện mặt trời.

Krông Pa đang những ngày nắng nóng. Những công nhân của Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (thuộc Công ty CP điện Gia Lai) đang gấp rút thực hiện những công đoạn cuối cùng để kịp tiến độ hòa lưới trong tháng 11 này. Đây là nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động tại vùng đất như đang sôi lên bởi nhiều dự án điện mặt trời chạy đua với thời gian.

Vừa bước ra khỏi ô tô máy lạnh mát rượi, chúng tôi hơi choáng bởi cái nóng hầm hập táp vào người. Thảng hoặc là những cơn gió khô hanh. Vùng đất này nóng đến mức có người nói vui là đặc sản thịt bò một nắng nức tiếng Krông Pa chẳng cần phơi nhiều, chỉ cần làm bò rồi ướp tẩm, xâu vào cây đưa ra nắng một chút rồi lấy vào... đem bán. Nói vậy để thấy được sự khắc nghiệt của khí hậu ở đây.

Giữa cái nắng cháy người, tại công trường điện mặt trời ở xã Chư Gu mỗi ngày cao điểm có hơn 1.000 công nhân thi công. Ông Trần Danh Bảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý dự án điện mặt trời Krông Pa, cho biết: “Dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa có công suất 49 MW gồm 6.970 khung lắp với 209.100 tấm pin mặt trời (loại 330 Wp) được xây dựng mới hoàn toàn trên khu vực đất đồi không canh tác rộng 70,23 ha thuộc địa bàn xã Chư Gu. Tổng công suất lắp đặt được tính toán tối ưu là 69 MWp, tổng vốn đầu tư 1.428 tỉ đồng. Công trình được khởi công vào tháng 3.2017. Dự kiến, dự án sẽ đóng điện nghiệm thu vào tháng 11 này và khai thác thương mại với sản lượng điện vào khoảng 103 triệu kWh/năm. Theo tính toán sơ bộ, khi nhà máy hoạt động mỗi năm sẽ sản xuất được 103 triệu kWh, thu về trên dưới 200 tỉ đồng”.

Theo khảo sát của nhiều chuyên gia, Krông Pa là địa phương có số giờ nắng cao nhất tỉnh Gia Lai với trên dưới 1.700 giờ/năm. Nếu so với mức trần 1.500 giờ nắng để xây dựng nhà máy điện mặt trời hiệu quả thì con số trên quả là rất ấn tượng.

Các dự án mở ra, nhiều người địa phương trở thành công nhân trên những đại công trường điện mặt trời. Anh Ksor Giới, một công nhân người Jrai, nói: “Mình có thu thập trên 6 triệu đồng/tháng. Đó là thu nhập cao rồi. Hy vọng được làm lâu để vợ con đỡ khổ. Nhiều người khác cũng nhờ có công trường này mà cuộc sống bớt cực khổ hơn”. Còn anh Ksor Đới ở buôn Mlah, xã Phú Cần, H.Krông Pa, nói: “Chúng tôi được hướng dẫn từ lý thuyết đến thực hành việc canh chỉnh lắp đặt các tấm pin mặt trời như thế nào cho đúng với tiêu chuẩn đưa ra. Có được tay nghề vững vàng, sau này nếu có những công trình về điện năng lượng, chúng tôi sẽ có việc làm, giúp phát triển kinh tế gia đình”.

Hấp lực từ “chảo lửa” quả là rất lớn trong giai đoạn này đối với các nhà đầu tư điện mặt trời. Vùng đất khắc nghiệt và vắng lặng bao năm nay bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi những đoàn khảo sát, cả ngàn công nhân đến trú chân. Một dự án điện mặt trời khác cũng đang tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng để tiến hành lựa chọn nhà thầu khởi công. Đó là Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên, đầu tư nhà máy điện mặt trời có công suất 49 MWp, vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng.

Song một vấn đề đặt ra là bao nhiêu năm nay ít có nhà đầu tư nào đến để tìm kiếm cơ hội. Nhưng hiện nay người dân có đất lại đòi tiền đền bù cao ngất ngưởng dù đó là đất cằn cỗi, đất đồi đá, hiệu quả canh tác rất thấp. Trong khi giá thị trường chỉ trên dưới 200 triệu đồng/ha thì người dân muốn “đặt giá” cho doanh nghiệp với mức trên dưới 600 triệu đồng/ha. Việc không đi đến thống nhất có thể khiến nhà đầu tư bỏ đi tìm kiếm cơ hội ở những vùng khác, tỉnh khác kéo theo thiệt hại cho địa phương. Hiện một số tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển điện mặt trời.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Gia Lai, tỉnh này đã cho phép 23 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MWp. Trong đó, 2 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 98 MWp, tổng vốn đầu tư 2.672 tỉ đồng đang triển khai các thủ tục đầu tư và thi công; 11 dự án được UBND tỉnh Gia Lai trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất là 675 MWp; 20 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất dự kiến là 3.195 MWp. Bên cạnh đó, còn có 12 nhà đầu tư đang khảo sát, chọn vị trí cho 17 dự án với tổng công suất dự kiến khoảng 1.333 MWp.

Những ngày này đến Krông Pa tìm kiếm một phòng nghỉ tại các nhà nghỉ, khách sạn để qua đêm ví như mò kim đáy biển. Tất cả đều đã được công nhân dự án nhà máy điện mặt trời thuê dài hạn. Nhiều dịch vụ ăn theo như quán ăn, giải khát được dịp ăn nên làm ra. Và cùng với đó, lâu dài là những chương trình an sinh xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo cũng được các nhà đầu tư lưu tâm. Một số doanh nghiệp nhỏ của địa phương cũng được hưởng lợi khi cung cấp những dịch vụ sẵn có của mình.

Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát, xã Chư Ngọc, H.Krông Pa, nói: “Doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý chủ trương cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn xã Chư Ngọc với công suất 49 MWp. Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục và đang chờ Bộ Công thương chấp thuận phê duyệt bổ sung quy hoạch. Doanh nghiệp cam kết với người dân đền bù thỏa đáng theo giá thị trường, đồng thời nhận con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc. Mục tiêu dự án này hướng đến là bình ổn việc cung cấp điện sản xuất cho 4 nhà máy nằm trong tổ hợp của doanh nghiệp rồi mới tính đến việc bán lên lưới điện quốc gia”.

Và điều đặc biệt, điện mặt trời cũng như các nguồn năng lượng khác như điện gió đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư bởi đây là năng lượng sạch. Theo các nhà đầu tư, khi dự án điện mặt trời hình thành sẽ góp phần quan trọng tạo nên một vùng tiểu khí hậu. Xung quanh nhà máy sẽ mát hơn bởi các tấm pin đã hấp thụ nhiệt, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, cải tạo môi trường. Và Krông Pa sẽ có thêm điều kiện thuận lợi trong phát triển dịch vụ, du lịch…

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Trần Hiếu

Báo Thanh Niên
16.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.