Ngoài ra, còn có các trạm kiểm soát tại những đường mòn, lối mở, bến thủy nội địa, khu vực giáp biên.
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình về vật chất lẫn tinh thần của người dân cả nước. Nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương tận tụy, làm việc quên mình tại các “lá chắn kiểm dịch” được ghi nhận, tôn vinh.
Nhưng cũng ở các điểm kiểm soát này hoặc thậm chí trên đường phố, nơi công cộng ở nơi này nơi kia bắt đầu xuất hiện tình trạng phớt lờ quy định, thậm chí chống đối, cự cãi, chửi bới lực lượng thi hành công vụ khi được yêu cầu chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội, mà cụ thể là cấm tụ tập, ăn nhậu hoặc không đeo khẩu trang, từ chối đo thân nhiệt…
Một khi Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc”, thì chính những chốt kiểm soát, những quy định được ban hành trong giai đoạn này phải được mọi người xem như quân lệnh thời chiến, tình hình thời chiến. Việc đầu tiên là phải chấp hành nghiêm, chấp hành tuyệt đối. Bất cứ hành vi chống đối nào dù là ai cũng đều phải được xử lý nghiêm để làm gương.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, bên cạnh nỗ lực của nhiều chốt kiểm dịch làm việc nghiêm túc, được tổ chức, huấn luyện bài bản thì đây đó vẫn có những chốt lập nên cho có phong trào. Theo quy định, mỗi chốt kiểm dịch y tế liên ngành có các thành phần tham gia gồm cán bộ y tế, CSGT, công an địa phương, thanh tra giao thông, quân đội, dân phòng và lực lượng thanh niên tình nguyện… Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, một số chốt kiểm dịch dựng lên tạm bợ, bên trong lác đác chỉ có 1 - 2 người ngồi trực, thiếu lực lượng liên ngành, không có biển báo, rào chắn, sổ ghi chép nhật ký... Thậm chí một số chốt có tình trạng các thành viên tranh thủ giải trí bằng việc đánh bài, chơi cờ tướng, số khác thì chỉ tập trung vào điện thoại cá nhân là chính. Nhiều chốt làm nghiêm túc ở một số thời điểm đầu giờ sáng, đến trưa và cuối ngày thì buông lỏng dần, đến tối thì bỏ trống trận địa. Chưa kể hành vi ứng xử của một số thành viên túc trực tại chốt thiếu chuẩn mực, gây không ít bức xúc cho người đi đường.
Có không ít thành viên có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực, lao ra giữa đường để vung gậy dừng xe, gí thẳng nhiệt kế vào người đi đường mà không giải thích trước, cách xưng hô, hỏi để ghi nhật ký như kiểu hỏi cung, thiếu hòa nhã, tế nhị…
Sự chung tay, tận tâm, tận tụy, chuyên nghiệp và hết sức mình của những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên ở nhiều khu cách ly trên cả nước đã nhận được rất nhiều lời biết ơn và ngợi khen từ chính những người “được” cách ly. Tinh thần đó cần lan tỏa đến những lực lượng đang được huy động làm công tác chốt chặn kiểm soát dịch bệnh song song với sự tự giác chấp hành nghiêm túc quy định của mọi công dân như trong thời chiến.
Bình luận (0)