Charlie Nguyễn: "Bụi đời Chợ Lớn" không vi phạm luật Điện ảnh

18/04/2013 15:04 GMT+7

(TNTS) Những lùm xùm liên quan đến Bụi đời Chợ Lớn chưa có dấu hiệu dừng lại khi các thông tin đưa ra xoay quanh bộ phim này từ hai phía Hội đồng duyệt phim (HĐDP) và nhà làm phim ngày càng mâu thuẫn.

(TNTS) Những lùm xùm liên quan đến Bụi đời Chợ Lớn chưa có dấu hiệu dừng lại khi các thông tin đưa ra xoay quanh bộ phim này từ hai phía Hội đồng duyệt phim (HĐDP) và nhà làm phim ngày càng mâu thuẫn.

Sự tình Bụi đời Chợ Lớn (do hai hãng phim Thiên Ngân và Chánh Phương hợp tác sản xuất) bị hoãn ngày công chiếu còn đang gây xôn xao dư luận thì mới đây nhất, bà Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục Điện ảnh) đã lên tiếng “tố” bộ phim này vi phạm luật Điện ảnh.

Theo bà Lan, sau khi Hãng phim Chánh Phương gửi hồ sơ (kịch bản và giấy tờ liên quan) đến Cục Điện ảnh để xin phép hợp tác với nghệ sĩ quốc tịch Mỹ (Charlie Nguyễn) thực hiện bộ phim Bụi đời Chợ Lớn vào tháng 10.2012, Cục đã yêu cầu hãng phim này phải sửa chữa kịch bản, đồng thời khuyến cáo nhà sản xuất không nên đưa những cảnh chém giết, thanh toán dã man trên các ngõ hẻm, đường phố của TP.HCM, chỉnh sửa kịch bản và trình Cục Điện ảnh thẩm định trước khi đưa vào sản xuất. Thế nhưng, phớt lờ yêu cầu của cơ quan quản lý, nhà sản xuất Bụi đời Chợ Lớn đã đưa phim vào sản xuất mà không trình lại kịch bản. Bà Lan khẳng định, hành động này là vi phạm luật Điện ảnh.

Trả lời về vấn đề Bụi đời Chợ Lớn bị “tố” vi phạm luật Điện ảnh, đạo diễn Charlie Nguyễn đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với TNTS.

Bụi đời Chợ Lớn 1
Charlie Nguyễn - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Sau rất nhiều ồn ào xảy ra, phía nhà làm phim có ý định chỉnh sửa lại để phim có cơ hội công chiếu với khán giả không ạ?

- Charlie Nguyễn: Chúng tôi đã chỉnh sửa và gửi lên trình lại. Ai cũng muốn phim được ra nên dù rất buồn, phim vẫn phải bị cắt đi hơn 20 phút. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ HĐDP.

* Anh nghĩ vì lý do gì mà phim không được HĐDP chấp nhận?

- Nếu nói rõ vấn đề này thì phải nói từ cái gốc. Sau khi HĐDP công bố với báo chí là “Bụi đời Chợ Lớn vi phạm luật Điện ảnh”, dư luận bắt đầu nghĩ không tốt về phía nhà làm phim là cố tình không thi hành theo đúng trình tự thẩm định kịch bản. Và bên HĐDP vẫn tiếp tục bắt lỗi chúng tôi ở chỗ đó. Sau khi xem phim, họ đặt ra câu hỏi: “Sao không làm đúng như thẩm định ban đầu?”. Khi kịch bản gửi đi, họ gửi thẩm định lại kêu sửa, và tôi đã không sửa. Kịch bản gửi đi không phải là bộ phim hoàn chỉnh. Thông điệp, cảm xúc cũng chưa tròn trịa. Bụi đời Chợ Lớn rất cần người duyệt thấy được khao khát hoàn lương, muốn rút chân ra khỏi con đường tội lỗi của các tay anh chị. Phim phải làm sao để người xem nhìn thấy mọi thứ sai trái đều phải trả giá, bởi nếu dễ dàng quá thì đâu còn là bài học răn đe.

Quay trở lại câu chuyện kịch bản. Khi ấy, tôi đã nghĩ, phim làm xong, Cục Điện ảnh sẽ nhìn ra những điều mà họ chưa thấy trong bản nháp kịch bản đã đọc. Giống như bạn đang nấu nồi canh chua, bạn nấu xong, bạn sẽ đưa cho chuyên gia ẩm thực đánh giá. Nhưng nồi canh chua của tôi chưa tới công đoạn bỏ bạc hà, thơm, đường...  Người ta đòi nếm thử lúc nồi canh chưa thành hình. Họ húp xong rồi liền bảo “đây không phải canh chua vì thiếu abcxyz...”. Húp lúc chưa làm xong thì đánh giá món canh của tôi dựa trên tiêu chuẩn gì? Tôi muốn trình cho HĐDP một bộ phim tốt nhất có thể. Khi nhận được thẩm định về kịch bản, đúng như tôi dự đoán, họ chỉ nhìn được lớp áo bên ngoài: Một phim hành động dã man!

Bụi đời Chợ Lớn 1
Johnny Trí Nguyễn, diễn viên nam chính Bụi đời Chợ Lớn trong một cảnh quay

* Chẳng phải theo luật Điện ảnh Việt Nam, nếu kịch bản gửi lên không được duyệt mà bên phía làm phim vẫn tiếp tục cho sản xuất bộ phim đó, như trường hợp của Bụi đời Chợ Lớn thì bị gọi là  vi phạm luật sao?

- Không, phim này không vi phạm luật. Hai năm nay, trong luật nói, kinh doanh hợp tác nước ngoài mới bắt buộc phải trình duyệt kịch bản. Còn trường hợp dự án của Thiên Ngân và Chánh Phương là hai hãng phim Việt Nam thì kịch bản chẳng cần thông qua. Xin nhấn mạnh, tôi được thuê làm đạo diễn chứ không phải là đối tác kinh doanh với hai hãng phim trên. Tôi ví dụ trường hợp điển hình là hai bộ phim Ngôi nhà trong hẻm và Bẫy cấp ba của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt. Cả hai phim đều không gửi kịch bản đi duyệt trước đó. Ngôi nhà trong hẻm thì được công chiếu rồi. Còn Bẫy cấp ba bị “trùm mền” thì cũng chẳng ai nói vì lý do không được duyệt kịch bản cả.

Chúng tôi gửi kịch bản lên vì muốn xin tư vấn, góp ý để còn đo lường độ an toàn. Chi tiết nào họ không thích, chúng tôi sẽ cắt bỏ đi, khỏi phải quay nhằm tránh lãng phí tiền bạc và rườm rà sau này. Chúng tôi gửi kịch bản là đã xem trọng ý kiến của Cục Điện ảnh rồi. Còn góp ý như thế nào thì chúng tôi không nhất thiết phải làm theo. Nhưng khi chúng tôi gửi kịch bản lên, thẩm định nhận về chỉ chung chung là: “Không phù hợp với xã hội bên ngoài, không được bạo lực, không được có băng đảng đánh nhau...”.  Bên nhà đầu tư thắc mắc cắt gì, sửa gì mới được duyệt. Họ lại yêu cầu làm như thẩm định kịch bản ngày trước.

Bây giờ, khi chúng tôi bày “món canh chua” hoàn chỉnh ra, họ nếm, xong họ đi bắt cái lỗi là tại sao lúc đầu không làm như thẩm định của họ. Tôi nghĩ, bản thân họ cũng không biết bắt lỗi ở điểm gì nên cứ loay hoay quanh vấn đề “duyệt kịch bản”.

* Anh có tính đến chuyện hai phía ngồi lại dung hòa để đi giúp Bụi đời Chợ Lớn có được cái kết tốt đẹp hơn?

- Tôi nói thật lòng, tôi mong phim được công chiếu đến mức giờ ai mà ra điều kiện nếu muốn phim được công chiếu thì phải chiếu miễn phí tôi sẽ là người giơ tay đầu tiên. Nhà đầu tư cần thu hồi vốn. Còn tôi, tôi chỉ muốn phim mình làm được chiếu cho khán giả coi. Tôi tự hỏi, tại vì HĐDP không nhìn vào chất lượng phim mà cứ lấy công văn thẩm định kịch bản ngày trước ra và bắt phải làm theo. Mà làm theo là làm theo như thế nào? Chỉnh sửa kiểu thẩm định gửi về thì khác nào kêu làm lại bộ phim mới? Từ hôm giờ, chi phí cho việc chỉnh sửa đã lên tới con số 500 triệu. Bên phía làm phim rất mong được đối thoại với HĐDP nhưng điều đó quả thật không dễ dàng.

* Khuyết điểm lớn nhất khiến phim không được duyệt là gì?

- Không đúng với thực tế xã hội.

* Vậy trong mắt anh, thực tế xã hội là như thế nào?

- Tôi không cần biết vấn đề đó, vì phim ảnh là hư cấu. Tôi chẳng biết Chợ Lớn ra sao. Phim Mỹ dựng nên câu chuyện tổng thống bị bắt cóc, CIA chống lưng mafia... Có ai bắt bẻ họ đâu? Có ai chửi họ thiếu thực tế đâu?  Nó thuộc chính trị. Chúng tôi làm phim chỉ biết nỗ lực sáng tạo. Phim giống bên ngoài là phim tài liệu hết à?

Bụi đời Chợ Lớn 1

Bụi đời Chợ Lớn 1
Các cảnh trong phim Bụi đời Chợ Lớn

* Từ Long Ruồi tới Cưới ngay kẻo lỡ, truyền thông đánh giá anh đang ngày càng xuống tay. Vừa quyết định quay về với dòng phim hành động sở trường thì gặp sự cố này, hẳn, anh đã thất vọng lắm?

- Tôi đã cố gắng hết sức rồi. Phía nhà làm phim đã đưa ra các phương án lựa chọn: Một giấc mơ, bối cảnh trước năm 1972, giang hồ làm tay trong cho cảnh sát... bản thân phim ảnh vốn là hư cấu rồi mà ngay cả trong phim chúng tôi cũng phải chịu khó la làng lên “đây là câu chuyện hư cấu” nữa. Làm đường nào họ cũng lôi chuyện “thẩm định ngày xưa” ra nói. Tôi nghĩ, giả sử chúng tôi cắt hết cảnh hành động đánh đấm ra, phim cũng chưa chắc được phép công chiếu. Vì chiếu một phim tan nát như vậy, khán giả nhất định sẽ phản ứng.

* Ngoài vấn đề kịch bản, HĐDP còn đưa ra một vi phạm luật Điện ảnh khác khiến Bụi đời Chợ Lớn bị từ chối cấp phép, đó chính là bạo lực trong phim...

- Diễn viên Johnny Trí Nguyễn khá bức xúc khi đọc được thông tin về việc Cục Điện ảnh thông báo với truyền thông rằng không thể cấp phép cho bộ phim có hàng trăm người dùng lưỡi lê đâm chém nhau mà không có sự xuất hiện của dân hay bất kỳ lực lượng nào. Anh em làm phim ai cũng biết, tất cả nội dung cũng như hành động trong phim chỉ xảy ra trong vòng hai tiếng đồng hồ. Bụi đời Chợ Lớn cho đến thời điểm này ngoài nhà làm phim và HĐDP thì chưa ai được xem qua nên nói như vậy sẽ khiến khán giả hiểu lầm.

Tự nhiên, trong đầu tôi vừa nảy ra ý tưởng mới và bộ phim có thể chỉnh sửa theo hướng đó. Một đứa trẻ kêu ông nó kể chuyện giang hồ cho nghe. Ông nó liền kể câu chuyện với những tình tiết y chang phim Bụi đời Chợ Lớn. Nó liền hỏi: “Ông ơi, sao không giống xã hội bên ngoài?”. Ông nó trả lời: “Vì đây là chuyện hư cấu mà con”. Nó hỏi tiếp: “Sao mấy chú bụi đời đánh nhau mà không có công an tới bắt hả ông?”. Ông nó cười, bảo: “Công an mà ập tới bắt thì hết chuyện, ông lấy gì để kể con nghe nữa!”.

* Cám ơn anh vì đã chia sẻ!

Ngân Vi

>> Xôn xao chuyện "Bụi đời Chợ Lớn" lấy tên tiếng Anh là "Chinatown
>> Cục Điện ảnh lên tiếng về "Bụi đời Chợ Lớn
>> Bụi đời Chợ Lớn" hoãn ngày chiếu
>> Cặp đôi hành động" tái xuất với "Bụi đời Chợ Lớn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.