Một bình yên sơn cước của Chu Viết Cường, một tiếng vọng đại ngàn của Trần Tuấn Long, cả tiếc nuối xốn xang với Tây nguyên hoang dã của Nguyễn Xuân Lục... hòa điệu cùng 40 tác phẩm của họa sĩ đương đại và hơn 100 tác phẩm của trẻ em miền núi hai vùng Hà Giang và Kon Tum trong triển lãm chuyên đề Trường ca 2018.
Đi để sáng tạo
Trường ca 2018 - triển lãm vừa diễn ra tại Hà Nội đúc kết từ dự án giảng dạy mỹ thuật từ thiện Ngôi sao miền núi, được các họa sĩ đương đại Hà Nội thực hiện thường niên, nay đã bước qua tuổi thứ 5. Triển lãm lần này là sự tập hợp tác phẩm từ hai đợt sáng tác của hơn 20 họa sĩ trong chuyến giảng dạy từ thiện tại Hà Giang và Kon Tum, các tác phẩm cũng sẽ được chọn lựa ra mắt trong triển lãm riêng tại Đài Loan, dự kiến đầu năm 2019.
Hành trình sáng tác, giảng dạy của Ngôi sao miền núi được ví như cuộc dạo chơi, khi lên miền mây núi Hà Giang, khi lang thang biển đảo Cô Tô, lúc bồng bềnh cùng Tây nguyên hoang dã... Nhưng sự chơi ấy đã đem lại thay đổi rõ rệt trong tư duy sáng tạo của các họa sĩ đồng hành cùng chương trình.
|
Giám tuyển Quách Ngạn Vĩ, cũng là nhà sáng lập Ngôi sao miền núi, chia sẻ: “Qua các chuyến giảng dạy mỹ thuật ở miền núi, khi trở về tôi cảm nhận rõ các họa sĩ cởi mở hơn trong cả phong cách và ngôn ngữ sáng tác, dễ thấy nhất là ảnh hưởng văn hóa bản địa lên tác phẩm của họ, chủ đề sáng tác cũng mở rộng hơn so với trước”.
Một Tây nguyên hùng vĩ, bí ẩn, với đại ngàn hoang sơ như từng biết trong sách vở, khi tiếp cận những hình ảnh thực tế lại trái ngược khiến họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục ngỡ ngàng. Họa sĩ tâm sự: “Hình ảnh xúc động với tôi nhất khi lần đầu đến Tây nguyên là tượng nhà mồ đang bị xuống cấp, mối mọt, tôi nghĩ chỉ khoảng 10 hoặc 20 năm nữa sẽ biến mất vì bây giờ không còn người làm. Riêng cảnh quan, con người, bản sắc khác đi nhiều, khó cảm nhận. Cũng có thể do tôi chưa có điều kiện đến được những buôn làng nguyên bản hơn”. Cái ngỡ ngàng với Tây nguyên ấy được Nguyễn Xuân Lục biểu đạt qua ngôn ngữ hội họa trừu tượng, dùng gam màu dị biến của kỹ thuật sơn mài lột tả sự mối mọt, mục ruỗng của tượng nhà mồ, tạo nên ấn tượng mạnh và sâu.
Đồng hành cùng Ngôi sao miền núi ngay khi dự án bắt đầu, họa sĩ Nguyễn Hồng Phương chia sẻ: “Mỗi tộc người lưu giữ một bản năng, tâm tính nghệ thuật rất riêng và đậm đặc, nhưng đều giống nhau về nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật. Do vậy, nghệ thuật là thứ cần được giao lưu, chia sẻ, không khép kín, thế mới có điều kiện phát triển”.
Đưa trẻ em miền núi đến với nghệ thuật
Điểm khác biệt của Trường ca là có cả những sản phẩm thủ công làm nền cho sáng tác hội họa. Họa sĩ Quách Ngạn Vĩ cho biết: “Chương trình dạy các em nhỏ làm quen với hội họa, ngoài ra còn dạy các em ý thức về môi trường bằng cách chế cọ vẽ từ lá thông, lấy khoáng làm màu, vải lanh làm nền, giúp các em tạo sinh kế bằng chính tác phẩm của mình. Trong triển lãm này, ngoài tranh vẽ, tranh in, còn có nhiều sản phẩm khác để giới thiệu và bày bán. Tiền bán sản phẩm sẽ được gửi về lại địa phương, giúp các em có thêm thu nhập cải thiện môi trường học tập”.
5 năm liên tục đồng hành cùng Ngôi sao miền núi, họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long chia sẻ những trải nghiệm riêng: “Khi dạy các em nhỏ miền núi tạo nên một tác phẩm, tôi thấy rõ sự hứng thú trong ánh mắt của chúng, bao giờ chia tay cũng là những giây phút cảm động. Có những điểm đến chúng tôi tìm cơ hội quay trở lại, không chỉ để lấy cảm hứng sáng tác mà còn vì tình cảm, quyến luyến với con người, với phong cảnh, nhất là ở Hà Giang”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật VN, nhận xét về tác phẩm của các họa sĩ nhí trong dự án: “Nhìn qua tác phẩm, có thể thấy ngay các em ở miền núi phía bắc tạo hiệu ứng thị giác tốt trên nền vải lanh là chất liệu truyền thống của họ, các em ở Tây nguyên lại có cách thể hiện riêng. Sự khác biệt này chính là những dấu ấn nghệ thuật mà nghệ sĩ ước ao”. Ông cũng bày tỏ mong muốn chương trình không chỉ tiếp diễn ở vùng núi phía bắc, Tây nguyên mà còn có điều kiện xê dịch tiếp về phương nam, để trẻ em khắp đất nước được đánh thức về hội họa.
Mỗi chuyến đi luôn để lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc khác lạ, họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh, người chuyên dùng chất liệu giấy dó, kể: “Tôi nhớ mãi cậu học trò ở Hà Giang, mồ côi cha mẹ, với bản năng hội họa rất hoang dã, cậu ấy không bao giờ vẽ theo đường nét được chỉ dạy mà chỉ vẽ theo ý thích và vẽ rất đẹp. Các bạn trong lớp vẽ một, cậu ấy phải được gấp năm lần. Làm nghề, gặp được những nhân tố như thế tôi thực sự cảm động, đó cũng là nguồn cảm hứng cho cuộc sống, sáng tác”.
|
Bình luận (0)