Vụ việc này, Công an P.Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) phát hiện vào ngày 8.12, khi Nguyễn Văn Thân (24 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu) nuôi nhốt 10 cá thể kỳ tôm, chồn hôi, rùa đá, khỉ mốc, tê tê… cùng 16 kg thịt rừng trong tủ đông.
Thân bị khởi tố hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Thân khai mua số thịt rừng, động vật hoang dã sống tại H.Ngọc Hồi (Kon Tum) để dành cung cấp cho nhà hàng sang trọng tại TP.Đà Nẵng. Bất ngờ nhất là số động vật trên có giá mua chỉ 12 triệu đồng, nhưng khi các sản vật này vào đến nhà hàng thì có giá gấp chục lần.
Chính vì “siêu lợi nhuận” nên một bộ phận đã bất chấp săn tìm, cung cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu của các thực khách ưa “hàng độc”.
Nhìn lại nhiều năm nay, các lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường TP.Đà Nẵng phát hiện, triệt xóa các lò nuôi nhốt động vật hoang dã, trữ đông thịt rừng, rất hiếm vụ bị khởi tố. Đa số cơ sở bị xử phạt, tịch thu, tiêu hủy tang vật hoặc thả về tự nhiên những động vật hoang dã may mắn còn sống.
Trong vụ việc nêu trên, qua giám định, cơ quan chức năng xác định trong số các động vật hoang dã bị nuôi nhốt có 1 cá thể tê tê Java thuộc danh mục động vật nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nên mới đủ cơ sở khởi tố. Ở góc độ pháp luật, cần xem xét mở rộng danh mục động vật hoang dã nguy cấp, chứ không chờ đến khi bị tận diệt, trở nên quý hiếm mới nằm trong nhóm cần được bảo vệ thì đã quá muộn.
Bên cạnh xử lý các đối tượng mua bán, cơ sở kinh doanh tiêu thụ, cần có chế tài và quy định xử lý hình sự nghiêm khắc hơn nữa với người mua, người sử dụng thịt rừng, động vật hoang dã. Bởi cắt được nguồn cầu, thì mới chặt đứt nguồn cung hiệu quả.
Bình luận (0)