'Chất lượng cao' trong trường công - Kỳ 5: Đi ngược nguyên tắc cơ bản của giáo dục

14/10/2013 09:00 GMT+7

Loạt bài Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của độc giả. Thanh Niên xin giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga Trường ĐH Hà Nội.

Loạt bài Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của độc giả. Thanh Niên xin giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga Trường ĐH Hà Nội.

 Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công
Các bài báo của loạt bài này khởi đăng từ 7 đến 10.10

Nền giáo dục duy nhất và bình đẳng

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bộ Quốc gia giáo dục cùng Hội đồng Cố vấn học chính được thành lập theo Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10.10.1945. Hơn 30 học giả nổi tiếng cả Hán học và Tây học, được sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch đã có “Tờ trình Quốc dân Đại hội” (khóa họp thứ nhất của Quốc hội khóa đầu tiên, khai mạc ngày 3.2.1946) về việc tổ chức và kiến thiết nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mục b của tờ trình ghi rõ: “Về nguyên tắc, nền giáo dục mới có tính cách duy nhất, chung cho tất cả giai cấp xã hội, lấy tôn chỉ bình đẳng làm căn bản”.

 

Nền giáo dục mới sẽ là một nền giáo dục duy nhất và bình đẳng: Trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giàu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp do các khả năng tinh thần có nhiều hay ít mà thôi

(Trích “Báo cáo về dịp Hội nghị văn hóa toàn quốc” của Giáo sư Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)

Tiếp đó, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 146 ngày 10.8.1946 đặt những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới, trong đó điều thứ 1 ghi: “Nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nền giáo dục duy nhất, đặt trên ba nguyên tắc căn bản: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa”. Trong bản Báo cáo về hoạt động của Chính phủ mà Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ trình bày ngày 30.10.1946 tại khóa họp thứ 2 của Quốc hội khóa I, hiện còn tại Lưu trữ Quốc gia, cũng đã báo cáo với cơ quan quyền lực cao nhất rằng theo nguyên tắc thứ nhất tại Sắc lệnh 146 thì nền giáo dục của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “là nền giáo dục duy nhất, bình đẳng và chung cho cả quốc dân, không phân biệt giàu nghèo và giai cấp xã hội”.

Trong văn bản “Báo cáo về dịp Hội nghị văn hóa toàn quốc”, theo chỉ thị trực tiếp của Hồ Chủ tịch được chuẩn bị để trình bày nhằm lấy ý kiến rộng rãi về đề án Cải cách giáo dục, ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục lúc đó, một lần nữa giải thích rõ về điều này. Ông Hòe viết: “Nền giáo dục mới sẽ là một nền giáo dục duy nhất và bình đẳng: Trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giàu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp do các khả năng tinh thần có nhiều hay ít mà thôi”.

Tước đoạt quyền của người thu nhập thấp

Vậy mà, thời gian gần đây, dư luận bất bình khi được biết một số vị có trách nhiệm quản lý sự nghiệp giáo dục quốc dân có chủ trương xây dựng những trường công “chất lượng cao”. Trên thực tế, qua một số trường được chọn thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM, chất lượng thực sự cao đến mức độ nào chưa ai kiểm định được, nhưng có một điểm mà người lao động thu nhập thấp thấy ngay: một số người nhân danh nhà nước tước đoạt của con em họ quyền được hưởng một nền giáo dục bình đẳng mà Cách mạng Tháng Tám đã dành cho họ.

Theo Nghị quyết 15 ban hành ngày 17.7 của UBND TP.Hà Nội quy định từ năm học 2013 - 2014, trường công lập “chất lượng cao” được phép thu học phí mức tối đa từ 2,9 triệu đồng (mầm non và tiểu học) đến 3 triệu đồng/học sinh tháng (THCS, THPT).

Thế là rõ. Trường công “chất lượng cao” không dành cho quảng đại người lao động thu nhập thấp.

Theo một điều tra của Tổng liên đoàn Lao động, trong năm 2013 có đến 62% người làm công ăn lương có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng, thậm chí 5% dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, cũng theo kết quả điều tra này, trong năm 2013 mức sống tối thiểu chung của một người lao động không nuôi con là 1.928.000 đồng, nếu phải nuôi con thì tối thiểu phải chi 3.278.000 đồng/tháng. Họ đào đâu ra 2-3 triệu đồng/tháng để cho một đứa con học trường công “chất lượng cao”?

Dẫu có ngụy biện thế nào thì trường công “chất lượng cao” chỉ nhằm phục vụ con em tầng lớp nhà giàu có mức thu nhập cao.

Điều đáng buồn là đề xuất chủ trương này lại là một số vị hưởng lương từ tiền thuế của toàn dân, trong đó có 62% người lao động có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng và 5% nữa - dưới 2 triệu đồng. Thử hỏi: Tại sao đông đảo người lao động đành phải cho con em mình học ở các trường “không chất lượng cao”?

Nhà giáo Vũ Thế Khôi

>> Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công - kỳ 1
>> Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công - Kỳ 2: Chỉ mới cao dịch vụ
>> Mô hình “chất lượng cao” bóp méo trường công - Kỳ 3: Sự thất bại của giáo dục đại trà
>> Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công - Kỳ 4: Mạnh dạn giao trường tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.