Tại hội nghị bàn về công tác đào tạo cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức mới đây, ông Lê Quang Thích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói dứt khoát: “Cần trả lại hồ sơ cử tuyển đối với những em học yếu, không nên cho đi học đối với những em này vì vừa tốn tiền của ngân sách vừa khó bố trí sau khi ra trường”.
Sở dĩ có sự dứt khoát của lãnh đạo tỉnh về chất lượng của học sinh cử tuyển là vì, từ nhiều năm qua, các địa phương chỉ chú trọng đến việc “ưu tiên”, nặng phần lý lịch mà xem nhẹ phần chuyên môn của người được cử tuyển. Chính vì vậy nên chất lượng đầu ra của số học sinh cử tuyển quá kém. Một cán bộ lãnh đạo của phòng giáo dục ở huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi nói rằng, có những thầy giáo hệ cử tuyển, tốt nghiệp đại học ngành tiểu học mà không giải được bài toán đơn giản! Đến nước này thì quả là uổng tiền để cho đi học cử tuyển thật. Câu hỏi được đặt ra là: “Giải bài toán đơn giản không được thì sao lại tốt nghiệp được?”. Tìm câu trả lời sẽ không khó. Đó là sự dễ dãi của những nơi đào tạo hệ cử tuyển. Nhiều trường đại học vẫn thường du di trong việc đánh giá học sinh hệ cử tuyển qua mỗi kỳ thi để đưa ra mức xử lý cần thiết trong việc cho lên lớp hay cho lưu ban. Họ nghĩ, thôi thì cứ cho lên lớp để các em tốt nghiệp ra trường còn việc bố trí số học sinh này vào chỗ nào là việc của các địa phương, nơi cử tuyển học sinh đó. Các địa phương, chủ yếu là miền núi, nơi tiếp nhận số học sinh cử tuyển này đành bấm bụng nhận các em và bố trí công việc, song chỉ qua một năm, toàn bộ những yếu kém đã lộ sáng hoàn toàn. Bên giáo dục thì thầy giải toán đố không được, bên y tế thì bác sĩ không chẩn đoán được bệnh, bên nông nghiệp thì không phân biệt được giống cây trồng… Nhưng khổ một nỗi, đa số những học sinh cử tuyển đều là “con cháu các cụ cả”, thi sòng phẳng với học sinh phổ thông không được bèn lách qua khe cửa cử tuyển. Cũng mang tiếng có bằng đại học, được xếp lương theo ngạch đại học nhưng làm không được việc mà cho nghỉ việc thì càng không được. Đặt các địa phương vào sự đã rồi như thế, vừa làm khó cho người bố trí công việc, vừa làm khổ cho người dân nếu họ “thụ hưởng” từ trí tuệ của số học sinh cử tuyển này.
Từ năm 2008 đến nay, hàng vạn học sinh trong cả nước được theo học hệ cử tuyển và đã tốt nghiệp. Ngân sách đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đào tạo số cử tuyển này. Họ cũng đã trở thành những cán bộ đang làm việc ở các địa phương. Chưa có con số thống kê cụ thể về chất lượng công việc của họ, song điều chắc chắn là, với cách tuyển đầu vào không qua thi cử như thế, lại được các trường đại học dễ dãi cho qua trong các kỳ thi học phần như thế, chất lượng làm việc của số cử tuyển sẽ không như mong đợi.
Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách ưu tiên cho các huyện vùng cao. Tuy nhiên, có thể ưu tiên về bảo hiểm y tế, về miễn giảm học phí cho học sinh chứ ưu tiên về mặt trí tuệ như việc cử tuyển thì cũng cần phải cân nhắc. Nếu ưu tiên thì chỉ ở phần đầu vào, còn trong quá trình đào tạo, các trường cũng không nên dễ dãi. Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã cho nghỉ học hàng chục em cử tuyển ở mỗi khóa học là một việc làm cần thiết. Tất cả các cơ sở đào tạo mà kiên quyết như thế sẽ có những sản phẩm đầu ra chất lượng.
Bình luận (0)