Chất lượng lao động chưa làm hài lòng doanh nghiệp

22/11/2018 08:51 GMT+7

Theo một khảo sát của Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy được cải thiện nhưng chủ doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng về chất lượng lao động. Điều này khiến chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải dành cho đào tạo lao động cũng tăng lên.

Hôm qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội thảo về tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề ở VN.
Lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 1/5 lực lượng
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký VCCI, cho biết Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI, trong giai đoạn 2012 -2017, chất lượng lao động (LĐ) trong khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện. Tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp đã giảm từ 24% năm 2012 xuống còn 20% năm 2017, LĐ qua đào tạo ngắn hạn không có chứng chỉ giảm mạnh từ 25% xuống còn 20%. LĐ có trình độ cao đẳng tăng từ 7% lên 8%, đại học tăng từ 15% lên 18%. Tuy nhiên, do LĐ trong doanh nghiệp chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 1/5 lực lượng LĐ kéo theo gia tăng chi phí kinh doanh.

Xét theo khu vực doanh nghiệp, LĐ trong các doanh nghiệp FDI có trình độ chuyên môn thấp nhất, khi tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo dưới 3 tháng cao nhất, chiếm đến gần 44%. Trong khi đó, LĐ trong các doanh nghiệp nhà nước có trình độ cao nhất, chỉ có 23% số LĐ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo dưới 3 tháng và tỷ lệ LĐ có trình độ đại học cao nhất, chiếm 23%. Đáng chú ý, số LĐ do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo vẫn còn thấp, cho thấy mức độ đáp ứng của các trường nghề cũng như định hướng giáo dục ở VN vẫn chú trọng giáo dục đại học nhiều hơn.
Xét theo địa phương, Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao nhất, chiếm đến 55,99% tổng số LĐ trong khu vực doanh nghiệp tại tỉnh. Tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao thứ hai là Tây Ninh, chiếm đến 51,87%. Một số tỉnh khác cũng có tỷ lệ cao là Cà Mau (48,89%), Điện Biên (48,77%), Lai Châu (46,97%), Sóc Trăng (44,28%). Hà Nội là nơi có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo thấp nhất, với chỉ 11,74%, tiếp đó là Thái Bình (12,27%), Thái Nguyên (12,42%), Nam Định (14,12%), Hải Dương (15,48%), TP.HCM (15,79%). Chỉ có 18/63 tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo dưới mức 20%, mức trung bình của nền kinh tế.
Tăng chi phí do đào tạo lại lao động
Mặc dù chỉ số tổng hợp về đào tạo LĐ theo nghiên cứu PCI có cải thiện nhưng doanh nghiệp cảm thấy hài lòng về chất lượng LĐ lại có chiều hướng giảm đi. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng LĐ ở các tỉnh đã giảm liên tục từ 95,1% xuống còn 89,7% trong giai đoạn 2013 - 2017.
Năm 2017, tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng LĐ cao nhất là Bến Tre (97,56%), tiếp đến là Đắk Lắk (97,12%), Hải Phòng (95,16%), Bắc Giang (95,12%), Nghệ An (95,1%). Ở chiều ngược lại, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng lao động thấp nhất (75,29%), tiếp đến là Điện Biên (76,84%), Đắk Nông (79,35%) và Hà Giang (80,82%).
Bà Lan Anh cảnh báo: “Chính vì chất lượng LĐ chưa làm hài lòng doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên khiến tỷ lệ chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải dành cho đào tạo LĐ cũng tăng lên. Điều này sẽ khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng theo, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Bà Lan Anh cho biết, trên thực tế, năm 2017, Thanh Hóa và Hậu Giang là những nơi mà doanh nghiệp phải bỏ chi phí cho đào tạo LĐ cao nhất, chiếm đến 8,2% tổng chi phí kinh doanh. Các tỉnh tiếp theo là Vĩnh Phúc (7,9%), Bình Dương (7,9%), Sơn La (7,8%). Việc doanh nghiệp phải bỏ chi phí cao hơn so với các tỉnh khác trong đào tạo LĐ sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp tại các tỉnh này. Ngược lại, các tỉnh như Bến Tre (2,9%), Vĩnh Long (3,1%), Bắc Kạn (3,4%), Thái Nguyên (3,9%) hay Cà Mau (3,9%) sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư từ việc các doanh nghiệp phải bỏ ra ít chi phí hơn để đào tạo LĐ.
Đà Nẵng, Long An, Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá tốt
Nếu so sánh kết quả đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giáo dục nghề nghiệp giữa các tỉnh năm 2017 thì Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt cao nhất, đạt 55,2%, tiếp đến là Long An (51,6%) và Đồng Tháp (51,2%). Đây là 3 tỉnh có trên 50% doanh nghiệp đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh đạt chất lượng tốt. Ở chiều ngược lại, Điện Biên (20,6%) và Yên Bái (24,7%) thấp nhất, đạt chưa đến 1/4 số lượng doanh nghiệp. Hai trung tâm kinh tế, cũng là trung tâm giáo dục lớn của VN là TP. HCM và Hà Nội đều có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng giáo dục dạy nghề, lần lượt là 40,6% và 32,5%, xếp thứ 22 và 45 trên tổng số 63 tỉnh thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.