Nhìn lại thị trường lao động TP.HCM năm 2024:

Chất lượng lao động TP.HCM mới đạt mức đáp ứng và khá tốt

31/12/2024 10:47 GMT+7

Doanh nghiệp đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí kỹ năng, tác phong làm việc của người lao động mới nằm ở 'đáp ứng' hoặc 'đáp ứng khá tốt'.

Chất lượng lao động nằm ở mức "đáp ứng" và "đáp ứng khá tốt"

Ngày 31.12, theo kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) tại 2.000 doanh nghiệp trong năm 2024, người lao động được doanh nghiệp đánh giá cao nhất ở tiêu chí "kiến thức chuyên môn", sau đó là "kỹ năng mềm" và "kỹ năng chuyên môn".

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đánh giá cao nhất các tiêu chí đối với nhóm lao động giữ vị trí quản lý, sau đó mới tới lao động gián tiếp và lao động trực tiếp.

Các doanh nghiệp cho biết đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng suất lao động như cải thiện chính sách lương và phúc lợi, tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả khai thác thị trường cũng như áp dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến.

Chất lượng lao động ở TP.HCM mới ở mức độ "đạt mức", "đạt mức khá tốt" trong đánh giá doanh nghiệp

Chất lượng lao động ở TP.HCM mới ở mức độ "đạt mức", "đạt mức khá tốt" trong đánh giá doanh nghiệp

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trung tâm cũng đánh giá mức độ yêu cầu của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng của người lao động thông qua 9 tiêu chí gồm đạo đức; thái độ làm việc; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ; tin học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp; kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động; kỹ năng xử lý tình huống.

Kết quả cho thấy, doanh nghiệp đánh giá mức độ yêu cầu đối với các tiêu chí này dao động từ 3,64 - 4,56, trên thang đo Likert 5 mức. Cụ thể, các kỹ năng như ngoại ngữ và tin học được đánh giá ở mức bình thường đến quan trọng (3,64 - 3,96), trong khi các tiêu chí còn lại đạt mức quan trọng đến rất quan trọng (4,09 - 4,56).

Nhìn chung, kết quả thang đo với giá trị trung bình là 4,15 cho thấy doanh nghiệp đánh giá các tiêu chí này nằm trong mức quan trọng đến rất quan trọng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đánh giá mức độ đáp ứng của người lao động đối với các tiêu chí dao động từ 3,25 - 4,02, trên thang đo Likert 5 mức.

Cụ thể, tiêu chí đạo đức, thái độ làm việc đạt mức đáp ứng khá tốt đến tốt (4,02), trong khi những tiêu chí còn lại được đánh giá ở mức đáp ứng đến đáp ứng khá tốt (3,25 - 3,91).

Nhìn chung, kết quả thang đo với giá trị trung bình là 3,72, cho thấy người lao động được đánh giá từ đáp ứng đến đáp ứng khá tốt ở hầu hết các tiêu chí.

Vì sao doanh nghiệp khó tuyển được lao động?

Cũng theo kết quả khảo sát của trung tâm, có 1.476 doanh nghiệp (73,8%) cho biết không gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Tuy nhiên, 26,2% doanh nghiệp còn lại đề cập đến một số thách thức mà họ đang đối mặt khi tuyển nhân sự.

Một số lý do có thể kể đến là không tìm được người lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng (chiếm 42,35% với 368 lượt lựa chọn); người lao động thiếu kỹ năng nghề (chiếm 22,21% với 193 lượt lựa chọn); người lao động thiếu kỹ năng mềm (chiếm 18,87% với 164 lượt lựa chọn); năng lực thực hành ứng dụng thấp (chiếm 16,57% với 144 lượt lựa chọn).

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như tiền lương, thưởng chưa đủ hấp dẫn; người lao động thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp, thiếu nhiệt tình trong công việc; đặc thù ngành nghề khiến người lao động không chấp nhận đi công tác; khó khăn khi tuyển dụng quản lý cấp cao...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.