Theo CNN, hãng công nghiệp Kobe Steel đang xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tháng này sau khi thông tin hãng làm giả dữ liệu sản phẩm bán cho các thương hiệu lớn như Boeing và Toyota bị rò rỉ. Tuần trước, hãng xe Nissan thì ngừng sản xuất ô tô cho thị trường Nhật Bản vì nhiều vấn đề nảy sinh với hoạt động kiểm định xe.
Từ lâu nổi tiếng với ngành sản xuất mang tính chính xác cao song nhiều doanh nghiệp Nhật gần đây lên báo vì thông tin đáng xấu hổ. Điều này khiến ngay cả quan chức chính phủ cũng phải lo lắng. Bộ trưởng Giao thông Keiichi Ishii cho biết sau bê bối của Nissan và Kobe Steel: “Họ làm lung lay danh tiếng của ngành sản xuất Nhật Bản, vốn dĩ được xem trọng vì chất lượng và độ an toàn cao”.
Một số bê bối khác gần đây của các hãng Nhật bao gồm: vụ túi khí Takata bị lỗi gây chết người, vụ Mitsubishi Motors gian lận bài kiểm tra về hiệu quả sử dụng nhiên liệu và vụ Toshiba chịu thiệt hại vì kiểm toán và mảng kinh doanh điện hạt nhân.
Các vụ việc trên cho thấy sức quản lý yếu kém của giới quản lý cấp cao tại doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này trái ngược với danh tiếng về chất lượng mà các hãng Nhật được quốc tế công nhận rộng rãi từ thập niên 1970.
Giáo sư Thomas Clarke, giám đốc Trung tâm Quản trị Doanh nghiệp tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: “Rõ ràng, đây là phản ánh đáng buồn về khía cạnh văn hóa chất lượng của Nhật Bản”. Ông Clarke cho rằng những thất bại này phần lớn là vì lòng trung thành mà các nhà quản lý đòi hỏi nhân viên.
Làm việc dài hạn tại một công ty sẽ giúp nhân viên có lương cao và ưu đãi thuế. Nỗi lo mất việc và bị giáng chức khiến nhân viên không muốn nhắc nhở hay vạch trần nhà quản lý, chuyên gia Marcel Thielient tại Capital Economics cho hay. Đây dường như là chuyện đã xảy ra tại Kobe Steel, nơi nhân viên làm giả dữ liệu về sức mạnh và độ bền của sản phẩm đồng, nhôm trong ít nhất một thập niên.
Một số chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Nhật quá sẵn lòng hy sinh tiêu chuẩn để tăng thị phần, lợi nhuận. Thị phần, lợi nhuận thách thức đặc biệt trong nền kinh tế nội địa Nhật Bản, vốn đã và đang chật vật với tăng trưởng thấp và vật giá giảm.
Các nhà sản xuất Nhật Bản còn phải đối mặt sức ép cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết. Nhiều đối thủ mạnh nổi lên từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan - các nền kinh tế trước đây từng tụt hậu so với xứ sở mặt trời mọc song đang nổi lên là cường quốc xuất khẩu các sản phẩm sản xuất cao cấp như điện tử, ô tô.
Năm ngoái, hãng điện tử Sharp bị tập đoàn Foxconn của Đài Loan thâu tóm, đặt dấu chấm hết cho một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất đất Nhật. Foxconn cũng đề nghị mua lại bộ phận sản xuất vi mạch của Toshiba trong năm nay.
Nếu kinh tế Nhật Bản không thể sớm khắc phục vấn đề này, đất nước sẽ vấp thêm nhiều khó khăn. “Nhật Bản sẽ thua khi các nền kinh tế khác, trong đó có Trung Quốc, dần nâng cao chất lượng và độ tin cậy”.
tin liên quan
Hàng không châu Âu cảnh báo thép Kobe sau bê bối giả mạo dữ liệuCơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) hôm 18.10 gửi thông báo đến các nhà sản xuất máy bay để yêu cầu họ ngưng sử dụng sản phẩm từ Kobe Steel sau khi công ty này thừa nhận giả mạo dữ liệu.
Bình luận (0)