Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh, số lượng phim Việt ngày càng tăng nhưng chất lượng không theo kịp tốc độ phát triển. Nhìn vào số lượng phim được sản xuất gần đây, từ 50 phim so với trên dưới 10 phim cách đây hơn 10 năm trước, cũng như nhìn vào con số doanh thu hàng trăm tỉ đồng so với hàng loạt phim bị lỗ trắng trước kia, người ta dễ có cảm giác hân hoan, mừng vui cho sự phát triển của điện ảnh Việt.
Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng số phim thu được trăm tỉ vẫn còn rất ít và việc phim đạt doanh thu cao chưa hẳn đã song hành cùng chất lượng nghệ thuật. Bằng chứng là từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng hai phần ba trong số 35 phim Việt ra rạp bị xem là yếu kém, không thu hồi được vốn. Vì vậy, nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ đã nói thẳng: “Trước khi mơ tới việc “nâng cao chất lượng để hội nhập quốc tế”, thiết nghĩ, điện ảnh Việt Nam nên lùi lại nhìn về “quốc nội” với thực tế chất lượng phim ra rạp hiện nay đã đủ tốt chưa, để nâng tầm phim Việt sao cho hay hơn. Muốn có phim hay phải có người tài, mà người giỏi quá hiếm; còn phim ra rạp hiện tại đa số đang làm theo kiểu ăn xổi ở thì, ít vốn mà muốn nhiều lời”.
Vài năm nay, các nhà sản xuất tư nhân đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường điện ảnh. Ở kỳ Liên hoan phim (LHP) lần thứ 20, 16 phim dự giải đều là phim tư nhân. Ở LHP 21 này có 4 phim nhà nước đặt hàng, 12 phim tư nhân. Ông Đoàn Tuấn, Phó ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam, đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy một quốc gia nào tổ chức LHP tầm quốc gia mà chỉ có toàn phim giải trí như Việt Nam”.
Tôi chưa từng thấy một quốc gia nào tổ chức LHP tầm quốc gia mà chỉ có toàn phim giải trí như Việt NamÔng Đoàn Tuấn, Phó ban Lý luận - Phê bình Hội Điện ảnh Việt Nam |
Nhà sản xuất tư nhân làm phim thì họ phải nhắm đến lợi nhuận, không thể đòi hỏi họ phải “dấn thân”, đầu tư vào những bộ phim khác hơn so với xu thế của thị trường, bởi nếu không thu hồi được vốn, không ai bù lỗ cho họ. Vì thế, nhiều ý kiến trong hội thảo đã nhắc đến vai trò của nhà nước. Bởi, để có được những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật với những đề tài như mong muốn, chỉ còn trông chờ vào sự đầu tư vốn của nhà nước, như trường hợp thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có sự góp vốn 70% của nhà nước, 30% của tư nhân.
Mong mỏi của nhà làm phim
Trưởng ban Chỉ đạo LHP Việt Nam 21 - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông phát biểu: “Điện ảnh là lĩnh vực có thế mạnh về đặc trưng ngôn ngữ, có khả năng lan tỏa và chinh phục khán giả ở những quốc gia khác nhau. Vì thế, tôi mong qua hội thảo này, các nhà quản lý, nhà sản xuất tìm ra giải pháp, đề xuất những chính sách nhằm nâng cao chất lượng phim Việt Nam để hội nhập quốc tế. Luật Điện ảnh sẽ có những sửa đổi trong giai đoạn mới. Điều quan trọng là phải đổi mới cách nghĩ, cách làm để nâng tầm phim Việt”.
Để nâng cao chất lượng phim Việt và hội nhập quốc tế, đạo diễn Lê Thanh Sơn của Em chưa 18 cho rằng: “Về phía quản lý phải nhanh chóng có những điều luật rõ ràng hơn để doanh nghiệp không cảm thấy khúc mắc, mạnh dạn đầu tư vốn lớn để nâng tầm cho bộ phim. Tiếp nữa là phải có những hiệp hội, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi, sáng tạo của nghệ sĩ. Nhà nước phải thông thoáng hơn trong chính sách để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim giúp cho những người làm điện ảnh Việt Nam có dịp cọ sát, học hỏi những kinh nghiệm làm phim ở trình độ cao của thế giới”.
NSND Trà Giang cho rằng muốn hội nhập quốc tế với bản sắc riêng khó lẫn của mình thì chỉ có một con đường duy nhất: làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng cần cởi mở trong khâu kiểm duyệt để tạo điều kiện cho nghệ sĩ có sự đột phá trong sáng tác. “Rất nhiều đạo diễn, nhà làm phim đã làm hết khả năng, hoàn thành những thước phim hay nhất gửi lên hội đồng duyệt phim, nhưng không phim nào không bị cắt, chỉnh sửa. Vì thế, tôi mong muốn hội đồng duyệt có cái nhìn cởi mở hơn để nghệ sĩ được sáng tạo, mới mong có đột phá với những bộ phim xuất sắc, mới mẻ”, anh nói.
22 người trẻ đã được cử đi học điện ảnh ở nước ngoài
Tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Trong năm nay, Bộ VH-TT-DL đã đưa 10 người trẻ đi học điện ảnh tại Mỹ, 2 người đi Úc và 10 người đi Trung Quốc. Hiện nay, lĩnh vực điện ảnh đang được nhà nước ưu tiên, chú trọng bổ sung về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ngành điện ảnh được đánh giá là đang dẫn đầu trong việc đào tạo tại nước ngoài, so với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, múa… Chúng tôi đã có kế hoạch trong năm sau sẽ đưa 10 em nữa đi học điện ảnh (quay phim, đạo diễn…) tại Anh, Pháp, Canada”. Thứ trưởng thông tin thêm: Từ năm 2017 đến năm 2026, dự kiến Việt Nam sẽ đưa tổng cộng 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập, kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
|
Bình luận (0)