Chất lượng sống không theo kịp tăng trưởng kinh tế

23/05/2010 00:42 GMT+7

Thảo luận tại tổ sáng 22.5 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2009, đầu 2010, nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng giá cả tăng cao vì nhiều mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá, tăng trưởng kinh tế không song hành cùng cải thiện chất lượng đời sống, điều hành kinh tế kiểu “bắn súng phát một” do mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế bất hợp lý.

Nỗi lo từ “lạm phát ỳ”

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng, tuy báo cáo của Chính phủ nói giá cả trong vòng kiểm soát nhưng trên thực tế thì các bà, các chị đi chợ hằng ngày vẫn kêu trời về chuyện giá tăng. Ông Trừng cho rằng, giá cả tất nhiên phải điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong điều kiện định hướng XHCN thì tăng lúc nào cho phù hợp cần phải tính toán, cân nhắc. “Điện, xăng dầu tăng trong 2 tháng liên tiếp đầu năm đẩy giá cả lên cao, nguy cơ lạm phát là rất cao”,  ông Trừng nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích thêm: Đến nay, áp lực lạm phát do áp lực cung tiền, bội chi có thể không còn đáng ngại, thay vào đó nền kinh tế chúng ta tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát do chi phí đẩy. Hiện nay, giá dầu thô thế giới ở mức 70 USD, nếu như giá dầu thô thế giới mà biến động lên 80 - 90 USD và thị trường thế giới biến động thì nhập khẩu lạm phát, tăng lạm phát do chi phí đẩy là không tránh khỏi. Ngoài ra, việc tăng giá vừa rồi một phần là chi phí đẩy nhưng phần khác là do ngay từ đầu năm Chính phủ điều chỉnh đồng loạt các mặt hàng thiết yếu như vậy thì yếu tố về phương diện tâm lý là rất quan trọng.

“Chính yếu tố tâm lý tạo ra lạm phát ỳ. Giá cả bây giờ do tâm lý tác động tăng thì nó nằm đó và không xuống nữa. Chính cái lạm phát ỳ này cần phòng ngừa khi chúng ta đồng loạt tăng quá nhiều thứ, chứ không hoàn toàn là yếu tố tâm lý đẩy. Khi cộng yếu tố tâm lý, cộng chi phí đẩy tạo mặt bằng giá cao hơn”, ông Lịch cảnh báo.

Chất lượng cuộc sống... đi xuống?

ĐB Trần Hoàng Thám (TP.HCM) nhận xét: Thẩm định của Ủy ban Kinh tế của QH về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Chính phủ “chưa đủ đô”, không chỉ ra được những chuyện cụ thể, những vấn đề yếu kém cụ thể một cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn để yêu cầu Chính phủ quyết liệt khắc phục.

Ông Thám đơn cử: Trong số 8 chỉ tiêu đặt ra không đạt thì có tới 4 chỉ tiêu thuộc về lĩnh vực môi trường. “Về bảo vệ môi trường, trong điều hành của Chính phủ gần như bất lực, chịu thua, điều này dẫn tới hệ lụy rất nguy hiểm cho cộng đồng. Chính phủ khi báo cáo với QH cần phải nói rõ hơn nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới”, ông Thám đề nghị.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng cũng chung quan điểm nhận xét rằng việc 4 trong 8 chỉ tiêu không đạt nằm ở lĩnh vực môi trường có nghĩa là đi ngược với chủ trương phát triển bền vững đặt ra lâu nay. “Vedan gây ô nhiễm môi trường, mấy tỉ đồng nộp phạt nhưng hậu quả còn kéo dài, vậy chúng ta phát triển kinh tế để làm gì? Cuộc sống chúng ta lên nhưng không có chất lượng, phải xem lại nghiêm túc vấn đề môi trường”, ông Trừng trăn trở.

Làm sao để tăng trưởng ổn định?

Theo ĐB Trần Du Lịch, việc đặt ra mục tiêu năm 2010 ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng 6,5% GDP nằm trong khả năng, có thể đạt được nhưng những bất ổn của trung và dài hạn vẫn còn, chưa được cải thiện, mà nguyên nhân chính xuất phát từ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế mất cân đối hiện tại.

Ông Lịch phân tích: Thứ nhất, chúng ta triền miên thâm hụt thương mại một cách rất lớn, càng xuất khẩu nhiều càng nhập siêu lắm. “Ví dụ một ngành thôi, mặc dù dân mình nuôi lợn song tỷ lệ nội địa hóa thịt lợn mình bao nhiêu? Bỏ hàng mấy trăm triệu USD/năm nhập bột cá về nuôi lợn trong khi nước mình bờ biển rất nhiều, thừa hải sản, có nghĩa là những nguyên liệu thức ăn cho lợn phải nhập khẩu hết. Chúng ta biện minh nhập khẩu nguyên liệu chứ không phải nhập khẩu tiêu dùng, tôi xin thưa rằng, bản chất nhập khẩu VN là nhập khẩu tiêu dùng. Ngay cả con lợn cũng phải nhập phần nuôi nó cực kỳ lớn rồi huống hồ cái khác (đồ điện tử, điện lạnh nhập nguyên chiếc)”, ông Lịch nói thẳng.

Thứ hai, theo ông Lịch, phát triển kinh tế của chúng ta đang phải dựa vào nguồn giải ngân FDI, dựa vào lượng kiều hối, tức là ngồi trông chờ cái bị động của người ta, còn cái chủ động của mình không có, đấy là nguyên nhân bất ổn mà ta không thể kéo dài được. “Các DN than phiền với tôi rằng, dường như 2 năm nay, chính sách vĩ mô cứ thay đổi chập chờn, không rõ ràng. Tôi xin thưa rằng, điều hành Chính phủ như vậy là giỏi trong điều kiện những bất ổn từ cơ cấu thì không có một chính sách tài chính tiền tệ nào mà có thể gọi là rõ ràng được, mà cứ phải là qua sông dò đá”, ông Lịch ví von.

Theo ĐB Lịch, việc quản lý nhà nước lớn nhất là đưa ra một định hướng rõ ràng về từng ngành, từng lĩnh vực, chính sách để làm sao người ta dựa vào đó mà tái cấu trúc lại để phát triển. Đó mới là tăng trưởng bền vững.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng chỉ trong mấy năm, điều hành kinh tế của ta từ thái cực này chuyển sang thái cực khác liên tục và điều đó thể hiện sự đối phó. “Cần có chính sách đồng bộ từ tài khóa, đầu tư, tiền tệ, xuất nhập khẩu, thuế… để tránh được những thay đổi chiến lược phát triển nền kinh tế hằng năm. Đồng thời, cần quan tâm tới tái cơ cấu nền kinh tế, có chính sách để lôi cuốn được sức mạnh của mọi nguồn lực”, bà Loan đề nghị.

Trung tướng Nguyễn Văn Hiến, Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân, cũng có cách nhìn tương tự về điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian qua, khi cho rằng cách điều hành của chúng ta đang theo kiểu “bắn súng phát một”. Chúng ta nhằm vào từng mục tiêu như tăng trưởng, lạm phát, tổng đầu tư xã hội… thế nhưng cần nhất là một chiến lược tổng thể để đón cơ hội thì lại chưa có”.

Nguyệt Minh - Tuyết Mai - Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.