TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng các nguyên tắc tố tụng “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng cung” đã không được thực hiện một cách triệt để; trình độ thẩm phán vẫn còn vấn đề là những tồn tại chính trong hoạt động tư pháp hiện nay.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc bị cáo nhảy lầu tự tử ngay sau khi tòa tuyên án là “sự việc đáng tiếc”, song ông cũng nhấn mạnh điều đáng tiếc xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc tuyên án có thể chỉ là “giọt nước tràn ly”.
“Công lý phải tồn tại ở trong tim chúng ta, trước khi hiện diện trong cuộc sống. Tất nhiên, qua vụ án Hồ Duy Hải và có lẽ cả vụ án Lương Hữu Phước, nổi lên một số vấn đề rất đáng quan tâm về hệ thống tư pháp của chúng ta”, ông Dũng nói.
|
Chứng cứ thu thập theo “kịch bản” thì rủi ro oan sai rất lớn
Ông nhìn thấy những vấn đề cụ thể nào còn tồn tại trong hoạt động của hệ thống tư pháp Việt Nam qua những vụ việc như nêu trên?
Trước hết, đó là xu hướng tiến hành tố tụng (trong đó có xét xử) theo nguyên tắc suy đoán có tội. Đã nghi ngờ ai, thì mọi chứng cứ, mọi lời khai đều được thu thập và diễn giải theo hướng người đó có tội. Điều này không chỉ đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội mà cả thế giới văn minh theo đuổi (và Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng đã đề ra), mà còn rất dễ dẫn đến tình trạng kết án oan, sai trái.
Để lọt tội phạm hoặc để xảy ra oan sai, tất nhiên, không chỉ có lỗi của các điều tra viên, mà còn của cả các lực lượng tư pháp khác liên quan đến truy tố, xét xử, giám sát tư pháp |
Thứ hai, tình trạng trọng cung hơn trọng chứng cũng đang tồn tại khá phổ biến. Khá nhiều thẩm phán đã yên tâm phán quyết khi chỉ dựa chủ yếu vào lời khai, lời nhận tội của bị cáo, cho dù không tồn tại bất kỳ một chứng cứ trực tiếp, khách quan nào về hành vi phạm tội (của bị cáo). Khi bị cáo bị ép cung, mớm cung; khi chứng cứ được thu thập theo “kịch bản”, thì rủi ro oan sai ở đây là vô cùng lớn. Trọng chứng hơn trọng cung là nguyên tắc xét xử có tự ngàn xưa của cha ông. Thật đáng tiếc, nếu ngày nay có lúc, có nơi nguyên tắc này vẫn chưa được coi trọng.
Vụ án bị cáo Lương Hữu Phước, sau khi bị cáo tự tử tại tòa án thì TAND cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị hủy bản án, điều tra xét xử lại vì cho rằng có nhiều sai sót. Vậy phải chăng vấn đề còn nằm ở con người chứ không chỉ ở nhận thức chung về các nguyên tắc xét xử?
Tôi cũng cho rằng trình độ của một số thẩm phán có vẻ còn cần phải được nâng cao hơn nữa. Đọc lại một vài bản án, trong đó có cả bản án của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, chúng ta thấy không phải lập luận nào cũng vững chắc, cũng thấu tình đạt lý. Công lý là việc áp dụng pháp luật phù hợp với lẽ phải và phù hợp với lương tri, không có trình độ khó đảm nhận được công việc này.
Ngoài ra, tình yêu công lý và sự không thỏa hiệp vì công lý chưa là phẩm chất đạo đức nổi trội ở một số thẩm phán. Một số bản án còn nhiều khúc mắc mà vẫn được biểu quyết nhất trí 100% cho chúng ta thấy khá rõ điều này. Nhiều người cho rằng biểu quyết bằng cách giơ tay đã không bảo đảm được sự độc lập cho các thẩm phán và đã dẫn đến sự nhất trí 100%. Có thể cách thức biểu quyết là một phần của vấn đề. Tuy nhiên, tình yêu công lý như là một phẩm chất của một thẩm phán cũng đã không phát huy tác dụng ở đây.
Một trong những điểm dễ nhận thấy từ những bản án gây băn khoăn thời gian qua là các sai sót đều xảy ra ở những cơ quan tố tụng địa phương. Năng lực của cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là năng lực cán bộ ngành tư pháp, từ điều tra, truy tố, tới xét xử có phải là tồn tại cần phải đề cập?
Đây quả thực là một vấn đề không hề nhỏ. Qua một số vụ án, đặc biệt là qua vụ án Hồ Duy Hải, chúng ta nhận thấy khá nhiều lỗi mà các điều tra viên mắc phải là thuộc loại “chưa sạch nước cản” như bỏ qua các tang chứng, vật chứng cơ bản nhất, tiến hành điều tra chủ yếu theo hướng niềm tin nội tâm mách bảo... Chúng ta có những điều tra viên rất tài giỏi và công tâm, nhưng đáng tiếc là những điều tra viên có tay nghề rất non cũng không phải là ít. Phải chăng các anh em này không được đào tạo bài bản hay không được bố trí công việc phù hợp?
Để lọt tội phạm hoặc để xảy ra oan sai, tất nhiên, không chỉ có lỗi của các điều tra viên, mà còn của cả các lực lượng tư pháp khác liên quan đến truy tố, xét xử, giám sát tư pháp.
Thúc đẩy tính độc lập tối đa của các cơ quan tư pháp
Ông có cho rằng để pháp luật được áp dụng phù hợp với lẽ phải, lương tri, để tránh oan sai trong tố tụng, cần phải có một quy trình tư pháp độc lập, các bản án chỉ được tuyên trên các nguyên tắc tố tụng chứ không phải bằng niềm tin nội tâm của thẩm phán?
Tôi đồng tình với ý kiến đó! Độc lập ở đây là độc lập của cơ quan điều tra, trước hết là của các điều tra viên; độc lập của cơ quan truy tố, trước hết là của các công tố viên; độc lập của cơ quan xét xử, trước hết là của các thẩm phán.
Khắc phục tình trạng oan sai trong các quy trình tư pháp là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược cải cách tư pháp mà chúng ta thực hiện suốt 15 năm qua. Theo ông, với những vấn đề đang tồn tại, cần những giải pháp nào để đạt được mục tiêu nói trên?
Tôi cho rằng một số mục tiêu cơ bản của chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Để giải quyết thì quan trọng nhất là phải bảo đảm được năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ nắm giữ quyền lực tư pháp của đất nước. Cần xây dựng một hệ thống tuyển chọn khắt khe và hiệu quả hơn để thu nhận được những người tài vào các ngành tư pháp, trong đó nên ưu tiên tuyển chọn các luật sư có tài và có danh tiếng làm thẩm phán. Chỉ nên đề bạt những người thật sự có danh tiếng về sự trong sạch, sự liêm chính đảm nhận các chức vụ cao cấp trong ngành tư pháp.
Khi đức, tài của đội ngũ các quan chức tư pháp đã được bảo đảm, thì thúc đẩy tính độc lập tối đa của các cơ quan tư pháp. Nguyên tắc là các cơ quan tư pháp tiến hành tố tụng một cách độc lập. Bản án là kết quả tất yếu của một quá trình tố tụng khách quan, độc lập. Không thể tồn tại “án bỏ túi”.
Thứ nữa là cần tăng cường giám sát các cơ quan tư pháp. Nguyên tắc là do hoạt động độc lập, các cơ quan này đương nhiên giám sát lẫn nhau. Ngoài ra, cần xét xử công khai, cần công bố các bản án để báo chí và công luận giám sát.
Ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Quốc hội tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sátBáo cáo của Chính phủ đã nêu rõ những kết quả trong phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, đã mang lại cho nhân dân và dư luận xã hội niềm tin, phấn khởi và tin tưởng.
Tuy nhiên, những vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn về phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng như vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở TAND tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum... và điển hình là vụ buôn lậu gỗ tại Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng và Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát báo cáo.
Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân, nhưng nó là hồi chuông để hối thúc Quốc hội tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được củng cố và để góp phần làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta.
Thái Sơn (ghi)
|
Bình luận (0)