Năm 2019, các bệnh viện của TP.HCM khám, điều trị đến 50 triệu lượt bệnh ngoại trú, 2,5 triệu lượt điều trị nội trú. Việc một bác sĩ tại bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ở TP.HCM mỗi buổi sáng khám cả trăm bệnh nhân thì khó vừa đạt “chất” vừa làm hài lòng người bệnh.
Theo khảo sát của Sở Y tế TP.HCM, năm 2020 có 18.395 lượt ý kiến người bệnh (ghi nhận qua máy khảo sát tự động tại các bệnh viện), phản ánh không hài lòng về một số dịch vụ tại các bệnh viện, trong đó có việc phải chờ đợi quá lâu ở các khâu: mua thuốc, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, làm cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu…). Đó là với khám ngoại trú. Còn người bệnh nội trú, ngán nhất là với thủ tục xuất viện phải chờ mất đứt cả ngày...
Việc quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện tại TP.HCM dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, sự hài lòng của người bệnh, còn khiến bác sĩ của các bệnh viện đầu ngành quanh năm phải chạy đua giải quyết số lượng bệnh nhân, không còn thời gian cho nghiên cứu chuyên sâu, cho sáng tạo để điều trị những ca khó. Họ phải giải quyết số lượng bệnh quá lớn, trong đó có những bệnh lẽ ra ở tuyến dưới chữa được, nhưng người bệnh không tin tưởng bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới, mà lại chạy lên tuyến trên, chấp nhận bỏ tiền túi chi trả điều trị “vượt tuyến”. Đó là trước đây. Còn từ năm 2021, theo chính sách mới thanh toán bảo hiểm y tế, người bệnh “vượt tuyến” vẫn được chi trả đầy đủ về khám chữa bệnh. Do vậy, các bệnh viện ở TP.HCM dự báo bệnh nhân sẽ đổ về TP.HCM, sự quá tải còn kinh khủng hơn.
Với cũng chừng ấy con người, chừng ấy cơ sở vật chất, nhưng gia tăng lượng bệnh nhân thì các bác sĩ, nhân viên của các bệnh viện tại TP.HCM sẽ càng khó để vừa đảm bảo chất lượng khám, điều trị, vừa làm hài lòng người bệnh (yếu tố những năm gần đây các bệnh viện của TP.HCM rất quan tâm).
Vấn đề đặt ra là làm sao để người bệnh tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ, cơ sở, máy móc của bệnh viện tuyến dưới trong khám, điều trị. Vấn đề này đã nói lâu nay, nhưng thực hiện chưa thành công. Do vậy, cần hơn nữa trách nhiệm trong việc điều phối, đầu tư, quy hoạch tổng thể của Bộ Y tế, cùng các địa phương để có những bệnh viện tỉnh, hay cụm bệnh viện khu vực với cơ sở vật chất, máy móc đáp ứng được nhu cầu người bệnh; chuyển giao, đào tạo bác sĩ tuyến dưới đủ năng lực để người bệnh yên tâm khám chữa bệnh tại chỗ, không cần lên tuyến trên khi chưa cần thiết. Khi đó, các bệnh viện mới có thể vừa đạt được chất lượng điều trị, vừa đảm bảo làm hài lòng bệnh nhân.
Bình luận (0)